Thường xuyên đi chợ và mua thịt lợn tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái nhưng gần 2 tháng nay, bà Nguyễn Thị Hải ở phường Hồng Hà đã không mua thịt lợn ở đây nữa, dù người bán đon đả mời chào.
Bà Hải cho hay: "Giá thịt tại chợ tăng hàng ngày, nhưng giá trong siêu thị vẫn ổn định. Nhà cũng ít người nên tôi thường xuyên mua 1 khay thịt nạc vai xay 3 lạng, giá 43.000 đồng, tính ra hơn 140.000 đồng/kg, nhưng nếu mua ở chợ chỗ này cũng phải gần 50.000 đồng. Mặc dù giá đắt, nhưng tôi cũng không thể bỏ hẳn thịt lợn để ăn thịt bò, thịt gà hay cá được, vì thịt lợn luôn là loại thịt dễ chế biến. Tuy nhiên, tôi sẽ mua ít lại để đảm bảo tiền chợ hàng ngày vẫn đủ”.
Hiện nay, thành phố Yên Bái có 10 cửa hàng VinMart+ được đặt ở các vị trí thuận lợi, đông dân cư nên lượng người tiêu dùng vào các cửa hàng này mua sắm ngày một đông. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống có sức mua tăng hàng ngày, nhất là thịt lợn.
Anh Bùi Quốc Huy - Cửa hàng trưởng Cửa hàng VinMart+ ở số 30 đường Điện Biên cho biết: "Cửa hàng khai trương từ cuối tháng 10. Tháng đầu lượng khách đến chưa nhiều và mỗi ngày chỉ bán được vài cân thịt lợn, nhưng bây giờ ngày bán khoảng 40 kg, trung bình 1 tuần cửa hàng nhập 2 - 3 lần thịt lợn, mỗi lần gần 2 tạ. Hiện nay, giá bán bình quân các loại thịt tại cửa hàng là 150.000 đồng/kg”.
Là khách hàng quen thuộc tại Cửa hàng VinMart+ số 30 Điện Biên, chị Nguyễn Hương Giang - cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái chia sẻ: "Thực phẩm trong này rất tươi, bảo đảm vệ sinh, nhất là các loại thịt tươi sống; trong đó, thịt lợn giá cũng rẻ hơn chợ và rất thơm, ngon. Trước kia, mình cứ nghĩ mua thịt "nóng” mới mổ thì mới là thịt tươi nhưng không phải thế, vì thịt ở chợ mổ từ sáng sớm để ngoài không khí hàng mấy tiếng, có khi là cả ngày. Đọc và xem nhiều, tôi mới biết thịt lợn sau khi mổ được bảo quản lạnh, cấp đông thì mới là thịt ngon, bảo đảm an toàn nên giờ cứ thịt "lạnh” mà mua”.
Thiếu những kiến thức khoa học về thực phẩm tươi sạch cũng là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng chưa sẵn sàng mua hàng của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm theo đúng quy trình chuẩn.
Đơn cử như quan điểm về thịt cấp đông, theo các chuyên gia thì động vật ngay sau khi được giết mổ sẽ được đưa vào nhà mát (nhiệt độ từ 0 - 4 độ C) khoảng từ 8 - 12 tiếng. Điều này, sẽ giúp độ PH của miếng thịt giảm từ 7,5 độ về mức 5,5 độ để cơ thể người hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
Sau đó, thịt mới được pha chế, đóng thành khay hoặc gói thành phẩm đưa vào cấp đông sâu ở - 24 độ C. Thịt cấp đông sâu ở nhiệt độ - 24 độ C sẽ có thời hạn sử dụng tối đa là 6 tháng.
Ông Lê Văn Trung - Giám đốc kinh doanh vùng Đông Bắc thuộc Công ty TNHH De Heus Việt Nam (là đối tác liên kết chuỗi với Công ty TNHH Đầm Mỏ) khẳng định: "Thịt tươi là thịt cấp đông và thịt mát. Còn thịt ôi là thịt nóng được giết mổ và bán không qua quy trình nào cả, sản phẩm lộ thiên không bao gói, không thiết bị bảo quản”.
Việc lựa chọn thực phẩm an toàn đã và đang là điều tất yếu để bảo vệ sức khỏe của mỗi gia đình, đặc biệt khi hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích đang dần có mặt ở mọi nơi. Nếu người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng thịt "nóng” mà chuyển sang sử dụng thịt "lạnh” sẽ an toàn hơn, giá cả cũng sẽ giảm đáng kể. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đưa thịt lợn vào trữ dưới dạng đông lạnh khi nguồn cung thừa, giá cả xuống thấp.
Từ đó, có nguồn cung đáp ứng được nhu cầu thị trường khi có biến động. Thịt được cấp đông đúng kỹ thuật sẽ an toàn hơn so với thịt tươi, thịt nóng bày bán trên thị trường không được bảo quản đúng cách, dễ bị nhiễm khuẩn.
Nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi; tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện và cũng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư hệ thống giết mổ, sơ chế rồi cấp đông sản phẩm thịt lợn.
Theo quản lý Siêu thị VinMart Yên Bái, từ nay đến tết Nguyên đán Canh Tý, Siêu thị sẽ không để thiếu mặt hàng thịt lợn và chắc chắn giá sẽ được bình ổn. Thực tế cũng cho thấy, việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đang hết sức khó khăn đối với tỉnh Yên Bái.
Nhưng để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì bắt buộc phải xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát nguồn gốc, tình trạng lợn trước khi giết mổ, nhất là khi các bệnh như: lở mồm long móng, tai xanh và đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Hồng Duyên