Những năm 2000, khi tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên được đưa vào khai thác, nhiều người dân sống dọc con đường không giấu nổi niềm vui khi giao thương thuận lợi, mở ra cơ hội giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương từ Vĩnh Kiên, Yên Bình đến Bạch Hà, Vũ Linh hay Phúc An… cũng xác định, đây là điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nên hàng năm, cấp ủy, chính quyền các xã đã chủ động trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch cả về diện tích, năng xuất, sản lượng; tập trung phát triển vùng cây ăn quả có múi, vùng chè nguyên liệu, vùng trọng điểm sản xuất thâm canh lúa, phát triển thủy sản hồ Thác Bà, chăn nuôi gia súc… Bởi thế mà giờ đây khu vực trung tâm các xã dọc tuyến đường đã hình thành những cụm dân cư đông đúc, kinh tế phát triển.
Đồng chí Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An chia sẻ: "So với những năm trước, mấy năm nay, bộ mặt nông thôn của Phúc An đã thay đổi rất nhiều. Mặc dù vẫn là xã đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay Phúc An đã có 12/19 tiêu chí của xã nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 11,05%”.
Ở Phúc An, có đến 70% dân số là người dân tộc Dao, Cao Lan, trình độ dân trí không đồng đều, nguồn thu nhập chính vẫn dựa vào rừng và đánh bắt thủy sản trên hồ, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Tiềm năng thì có nhiều nhưng chưa thể khai thác.
Ý chí vươn lên cùng sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật, về các dự án phát triển sản xuất với những mô hình chuyên canh, phát triển chăn nuôi hàng hóa… đã giúp nông thôn Phúc An đổi mới. Bên cạnh phát triển cây lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng rau màu… Phúc An đã có 15,6 ha cây ăn quả.
Chậm rãi khua mái chèo sang vườn bưởi của gia đình, lão nông Nguyễn Xuân Lộc ở thôn Đồng Tý hồ hởi giới thiệu thành quả của 6 năm bới đất, lật cỏ chăm sóc cho 1,8 ha cây ăn quả với 400 gốc bưởi Diễn, da xanh, Đại Minh của gia đình.
Ông Lộc cho biết: "Mảnh đất này tôi đã trồng đủ loại cây từ cà phê, đến bạch đàn nhưng đến giờ cây bưởi cho thu hoạch thì đây là loại cây đem lại giá trị kinh tế cao nhất. Số tiền lãi của vụ bưởi năm nay tôi dự định tiếp tục đầu tư vào vườn bưởi”.
Dồn tâm sức cho vườn bưởi, ông Lộc đã được cây trả công xứng đáng, trong 400 gốc bưởi, cây nào cũng sai trĩu trịt, có cây tới 80 quả, còn thì cứ đều đều 60 - 70 quả một cây.
Trên khắp các thôn như: Đồng Tý, Đồng Tha, Làng Cại, Khuôn Đát… những căn nhà khang trang, to đẹp được xây dựng ngày càng nhiều và đó là điều tất yếu khi sự quan tâm đầu tư của Nhà nước phát huy hiệu quả, khi tư duy phát triển trong dân đã đổi mới.
Bên cổng làng Khuôn Đát, Bí thư Đảng ủy xã Phúc An Phạm Đình Huân tâm sự: "Năm 2019, người dân Phúc An đã trồng mới 110 ha rừng, khai thác 4.300 m3 gỗ. Đặc biệt, thế mạnh về thủy sản bước đầu đã được phát huy với việc người dân đã đóng 28 lồng cá nuôi trở thành hàng hóa thay vì đánh bắt tự nhiên trên hồ. Trồng cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, nên thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu ở những nơi có điều kiện phù hợp để tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích rừng kinh tế sang trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao và bền vững cho nhân dân”.
Rong ruổi vùng Đông hồ, nhìn ngắm những ngôi nhà sàn mới bằng bê tông soi mình bên mép nước, những trường học, trạm y tế ẩn hiện trong dáng núi, hay hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ phiên với đủ loại hàng hóa càng cảm nhận rõ hơn về một vùng quê đang chuyển mình cùng sự đổi mới của tỉnh.
Vĩnh Kiên là xã có điều kiện thuận lợi hơn cả so với các xã trong vùng nên từ năm 2017, xã đã cán đích nông thôn mới. Giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, huy động nhân dân đóng góp 284,5 tỷ đồng làm 15,1 km đường bê tông, mở rộng 17 km, mở mới 4 km đường liên thôn. Lưới điện trong xã được cải tạo, 100% số thôn và số hộ trong xã có điện lưới quốc gia.
Hệ thống cơ sở hạ tầng khác như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn từng bước được đầu tư nâng cấp.
Công nghiệp phát triển khá mạnh, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương với 25 cơ sở khai thác chế biến gỗ rừng trồng, 3 cơ sở chế biến chè, 3 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, 51 ô tô vận tải hàng hóa.
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng có sự chuyển biến rõ rệt về ngành nghề, quy mô sản xuất, chú trọng phát triển các nghề mộc dân dụng, sửa chữa điện tử, điện dân dụng, sửa chữa ô tô, xe máy, gia công cơ khí…
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kiên Vũ Thành Vinh cho biết: "Với tư duy đổi mới về lãnh đạo kinh tế, Đảng bộ đã thường xuyên quan tâm và tăng cường sự lãnh đạo, do vậy, trong những năm gần đây, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế của Vĩnh Kiên luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.
5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 12%”. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được đẩy mạnh đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả cao như mô hình trồng bưởi Đại Minh, thanh long, trồng rừng, nuôi thủy sản đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt khoảng 75 triệu đồng.
Thấp thoáng trong nắng xuân, các bản làng vùng Đông hồ đẹp như bức tranh thủy mặc. Chúng tôi cảm nhận được khát khao xây dựng quê hương giàu đẹp của người dân nơi đây. Họ đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, hết mình đánh thức tiềm năng, thế mạnh để vùng Đông hồ ngày một nên thơ, no ấm.
Thành Trung