Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, do vậy trong những năm qua Trấn Yên đã tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) một cách có hiệu quả, bền vững. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất”.
Từ những định hướng và xác định rõ mục tiêu, do đó việc đầu tiên mà Trấn Yên làm đó là quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất và lợi thế của huyện với các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực; lựa chọn và xác định những cây trồng, vật nuôi phù hợp và có hiệu quả trong sản xuất, tổ chức vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như: tre Bát độ, quế, cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm.
Đồng thời phát triển mở rộng quy mô diện tích cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng sản phẩm lớn.
Song song với đó là tổ chức lại sản xuất, tập trung củng cố hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng kinh doanh dịch vụ đa ngành; thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất theo chuỗi giá trị; liên kết giữa nhóm hộ, hợp tác xã với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.
Đổi mới và xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Đẩy mạnh việc thực hiện phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ lực của huyện, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông sản. Đến nay, huyện đã có 9 loại sản phẩm chủ lực như: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả có múi, dâu tằm, quế, tre măng Bát độ...
Đặc biệt, 21/21 xã trên địa bàn huyện đều có các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững, cụ thể: vùng sản xuất lương thực có hạt ở 22 xã, thị trấn, sản lượng 27.500 tấn/ năm; vùng chè 904 ha (chè chất lượng cao tại xã Bảo Hưng, Hưng Khánh 200 ha), sản lượng 10.000 tấn; vùng cây ăn quả 1.000 ha; vùng quế 16.000 ha, trong đó quế hữu cơ 6.000 ha tại các xã Kiên Thành, Y Can, Đào Thịnh, Tân Đồng, Hòa Cuông, Lương Thịnh, Hồng Ca, sản lượng trên 3.000 tấn vỏ quế/ năm; vùng tre măng Bát độ tập trung với quy mô 3.500 ha, tại các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, sản lượng trên 50.000 tấn măng vỏ tươi/ năm; vùng gỗ nguyên liệu trên 35.000 ha; vùng trồng dâu, nuôi tằm tại các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, Đào Thịnh, Hòa Cuông, Y Can, Minh Tiến, Quy Mông, Hồng Ca, Hưng Khánh quy mô 700 ha, sản lượng kén 650 tấn/ năm; sản xuất rau an toàn tại xã Minh Tiến, Y Can; sản xuất cây dược liệu (lá khôi, nghệ) tại các xã: Cường Thịnh, Y Can, Quy Mông, Việt Thành.
Từ việc thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, năm 2019 giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2011; thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn được nâng cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và làm giàu, đồng thời nhân dân chủ động tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất.
Năm 2019, huyện cũng đã trồng mới và trồng thay thế 364 ha tre măng Bát độ, sản lượng măng thương phẩm đạt 22.400 tấn/ kế hoạch 20.000 tấn, bằng 112% kế hoạch; đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm măng tre Bát độ. Trồng mới 46 ha/ kế hoạch 30 ha cây ăn quả có múi, bằng 153% kế hoạch.
Trồng mới 288,4 ha/ kế hoạch 288 ha dâu, bằng 100,1% kế hoạch, nâng diện tích dâu lên 688,4 ha. Trồng 1.497 ha quế, bằng 149,7% kế hoạch; xây dựng vùng quế an toàn theo hướng hữu cơ 6.000 ha, bằng 100% kế hoạch, trong đó đạt tiêu chuẩn quốc tế 1.567 ha/ kế hoạch 600 ha, bằng 261,2% kế hoạch.
Thực hiện 3/4 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm: trồng dâu, nuôi tằm và chế biến kén tằm; tre măng Bát độ; gà Minh Dư thương phẩm. Công nhận 6 xã (Quy Mông, Hòa Cuông, Việt Hồng, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hồng Ca) đạt chuẩn tiêu chí NTM (chỉ tiêu 5 xã), bằng 120% kế hoạch, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM lên 21/21 xã, đạt tỷ lệ 100%.
Những nỗ lực trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và XDNTM ngày một phát triển và là nền tảng để Trấn Yên trở thành huyện NTM tiêu biểu của khu vực miền núi phía Bắc.
Thanh Phúc