Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới… là những mục tiêu chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp .
Sau 4 năm thực hiện Đè án, giai đoạn 2015 - 2020, huyện Lục Yên đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Là một xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cấp ủy, chính quyền xã Lâm Thượng luôn xác định trong cơ cấu kinh tế thì sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực. Do vậy, xã đã vận động bà con phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương trong sản xuất nông nghiệp; tích cực đưa cây, con giống mới năng suất, hiệu quả kinh tế cao và tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Nhờ đó, nhiều năm qua, xã đã hình thành vùng sản xuất ngô đông trên đất 2 vụ lúa với quy mô lớn của huyện và trung bình hàng năm, năng suất ổn định trên 50 tạ/ha. Ngô đông từ nhiều năm nay đã khẳng định một trong những cây kinh tế chủ lực của xã.
Những năm gần đây, huyện Lục Yên đã chú trọng quan tâm phát triển chăn nuôi thủy sản, trong đó, tập trung vào nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà và các xã có diện tích ao, hồ lớn như: Phan Thanh, Mường Lai… Nhiều năm gần đây, nghề nuôi cá lồng mới được các hộ dân xã Phan Thanh phát triển mạnh.
Hiện, toàn xã có 6 hộ tham gia nghề này với 25 lồng cá, chủ yếu là cá trắm, nheo, chim trắng… Ước tính mỗi lồng cá thu về 25 - 30 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích các hộ mở rộng quy mô lồng cá; tích cực học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020, UBND huyện Lục Yên chỉ đạo các đơn vị trong ngành nông nghiệp huyện định hướng, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, chú trọng phát triển theo hướng bền vững và nâng cao giá trị một số sản phẩm. Kết quả bước đầu, đã hình thành một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện như: lạc đỏ, dầu lạc, măng mai, gạo gốc Nhật, vịt bầu Lâm Thượng, cam sành Lục Yên…
Sau 4 năm thực hiện, huyện Lục Yên cơ bản hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gồm: vùng sản xuất lúa với diện tích 600ha/vụ; vùng sản xuất ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa diện tích 500ha/vụ/năm; vùng sản xuất cây ăn quả có múi với diện tích trên 700ha; xây dựng vùng tre lấy măng khoảng 800ha; phát triển vùng quế diện tích khoảng 4.000 ha; phát triển nuôi cá lồng trên diện tích mặt nước hồ Thác Bà và các hồ đập trên địa bàn xã Mường Lai, Phan Thanh với 75 lồng; duy trì và phát triển các cơ sở chăn nuôi hàng hóa, tập trung.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Qua 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Lục Yên đã có những chuyển biến cơ bản nội ngành. Các sản phẩm chủ lực, thế mạnh được lựa chọn tập trung phát triển; khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; qua đó, đã tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân theo mục tiêu của đề án đề ra”.
Khắc Điệp