Với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ là những rào cản khiến sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) ở Trấn Yên khó bứt phá. Dù vậy, huyện đã phát huy những lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Cùng đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh trật tự để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Trấn Yên ngày một tăng.
Đến nay, huyện đã thu hút 12 dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao và tạo nhiều việc làm cho người lao động ở một số lĩnh vực tiềm năng của huyện, tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao như Graphit, sản phẩm thép hộp, thép ống, quặng cầu viên, may mặc... làm gia tăng thêm giá trị sản xuất ngành công nghiệp địa phương.
Xác định sản xuất CN - TTCN là trọng tâm trong phát triển kinh tế, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Huyện đã khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng nhiều lao động, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Hiện, trên địa bàn có hơn 500 cơ sở sản xuất CN - TTCN; trong đó, có 50 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 3 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 10 hợp tác xã; 440 hộ cá thể thu hút và tạo việc làm cho trên 4.000 lao động có thu nhập ổn định.
Tận dụng lợi thế địa lý, thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy, nguồn nhân lực lớn, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành CN - TTCN dồi dào, huyện chú trọng đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Đặc biệt, huyện đã thực hiện quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp và đến nay, trên địa bàn đã hình thành 1 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch là 112 ha, tổng mức đầu tư 273,2 tỷ đồng; 2 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch 60ha, đã đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, có 2 làng nghề và 506 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tích cực đóng góp thuế cho Nhà nước và phong trào chung của địa phương.
Có thể khẳng định, nhờ sự chỉ đạo điều hành, tập trung thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp, nên giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Phát triển CN - TTCN đã giúp huyện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, các cơ sở sản xuất CN - TTCN ở Trấn Yên đã và đang nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đổi mới dây truyền công nghệ, tăng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng ưu tiên cho xuất khẩu.
Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất cao như: chè khô chế biến đạt 3.200 tấn; tinh dầu quế 38 tấn; gỗ xẻ thanh, gỗ bao bì đạt 6.900 m3; gỗ ván bóc 58.000 m3; gỗ ván dán Okan 13.500 m3; ván ghép thanh 2.000 m3; quặng sắt chế biến 47.000 tấn; khai thác cát, sỏi 15.500 m3; quần áo may gia công xuất khẩu 14 triệu sản phẩm; Graphit các loại 12.500 tấn; thép hộp, thép ống 17.500 tấn.
Nhằm phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; khai thác các nguồn lực tại chỗ, trong giai đoạn tới, huyện Trấn Yên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN, tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động; từ đó, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thanh Tiến - Kim Oanh (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)