Yên Bái: Sau tết, tiền dân “tạm trú” tại các ngân hàng

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/2/2020 | 11:08:40 AM

YênBái - Đã trở thành quy luật, dịp tết Nguyên đán, lượng tiền nhàn rỗi trong dân khá lớn. Sau tết Canh Tý 2020, lượng tiền nhàn rỗi còn lớn hơn, bởi nhiều lý do và đây thực sự là cơ hội cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động, đảm bảo nguồn vốn cho vay nền kinh tế.

Nguồn vốn lớn ngay từ đầu năm giúp các ngân hàng đáp ứng thỏa mãn nhu cầu cho nền kinh tế.
Nguồn vốn lớn ngay từ đầu năm giúp các ngân hàng đáp ứng thỏa mãn nhu cầu cho nền kinh tế.

Buổi giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý, Phòng Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Yên Bái (Agribank Yên Bái) đông nghịt người. Phần lớn trong số đó đến gửi tiền tiết kiệm, khiến đội ngũ giao dịch viên phải làm việc hết công suất, dù vậy ai ai cũng vui vẻ, ân cần phục vụ. 

Bà Đào Phương Thảo - Phó Giám đốc Chi nhánh bày tỏ: "Làm thương mại, dịch vụ mà ngay ngày đầu mở cửa đã có đông đảo khách hàng đến với mình thì còn mơ ước gì hơn”. 

Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ tại Phòng Giao dịch Chi nhánh Agribank Yên Bái mà các phòng giao dịch các ngân hàng khác như: BIDV, Vietinbank, LiênViệt Bưu điện… cũng đông không kém. 

Ông Nguyễn Văn Thái ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái mang mấy chục triệu đồng ra Phòng Giao dịch Nam Cường của BIDV gửi tiết kiệm chia sẻ: "Các con về chơi tết có biếu ít tiền với khoản lương hưu vợ chồng già chưa tiêu hết nên tôi đem đi gửi tiết kiệm vừa an toàn vừa sinh lãi và khi cần lại rút ra để chi tiêu”. 

Thực tế, rất nhiều khách hàng đem tiền đi gửi tiết kiệm dịp tết cũng vì những lý do giống như ông Nguyễn Văn Thái, bởi sau một năm lao động và sản xuất, kinh doanh người dân để ra được một khoản tiền nhất định. 

Sau tết, nhiều ngành hàng, nhất là thương mại - dịch vụ chưa bắt tay vào làm ăn nên tiền vốn nhàn rỗi, lúc này ai ai cũng có suy nghĩ để lượng tiền lớn trong nhà, trong công ty dù có khóa, có bảo vệ tốt đến mấy thì cũng không thể tốt bằng mang vào ngân hàng! 

Theo quan sát của chúng tôi, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tuân thủ rất nghiêm sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất cao nhất quanh mức 6,8%/năm, tối đa 5%/năm đối với loại có kỳ hạn, gửi dưới 6 tháng và 0,1%/năm đối với loại không kỳ hạn. 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất cao nhất 6,8% vẫn thực dương (tỷ lệ lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát). Tuy nhiên, với các mức lãi suất huy động mà các ngân hàng đang áp dụng vẫn chưa thực sự hấp dẫn, đặc biệt là mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn, gửi dưới 6 tháng và loại gửi không kỳ hạn. 

Vấn đề ở đây chính là, người dân đã hình thành thói quen đưa tiền nhàn rỗi vào ngân hàng (đây là thói quen tốt, có lợi cho nền kinh tế), trong khi thị trường bất động sản tại Yên Bái đã có dấu hiệu trầm lắng do nguồn cung quá lớn, nhiều tuyến đường mở mới, tạo ra nhiều quỹ đất; thị trường vàng thì rất khó lường. Đơn cử như trước ngày vía Thần tài, giá vàng đạt đỉnh 45 triệu đồng/lượng, đúng ngày vía Thần tài bỗng nhiên quay đầu, giảm xuống 43 triệu đồng/lượng - một diễn biến hết sức bất ngờ. 

Khi mà dòng tiền nhàn rỗi hướng vào ngân hàng thì các ngân hàng cũng nắm lấy cơ hội để sớm hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn, đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Những chương trình tiết kiệm dự thưởng, những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất như quảng bá, tuyên truyền, vận động trực tiếp đã được áp dụng; ngân hàng nào cũng mong khách hàng mang tiền đến đơn vị mình để gửi. 

Không ít phòng giao dịch làm việc tới đêm trong những ngày áp tết Nguyên đán. Nhiều ngân hàng đã thông báo ngừng giao dịch nhưng thực tế vẫn có chính sách ưu tiên những khách hàng lớn, những khách hàng quen thuộc hoặc doanh nghiệp… và sự nỗ lực của các ngân hàng đã mang lại những kết quả như mong đợi.  

BIDV Yên Bái huy động được gần 100 tỷ đồng trong tháng 1/2020, đưa tổng số nguồn huy động dân cư trên địa bàn lên gần 3.500 tỷ đồng. Các phòng giao dịch tại thị trấn Mậu A, thị trấn Yên Bình, Nam Cường… vẫn là những đơn vị truyền thống dẫn đầu về công tác huy động vốn; Phòng Giao dịch thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên vừa mới đi vào hoạt động sau tết đã có cả trăm người đến gửi tiền và sử dụng các dịch vụ ngân hàng mỗi ngày. 

Bưu điện Yên Bái - đơn vị có nhiều lợi thế trong huy động vốn nhờ mạng lưới rộng khắp và thực hiện việc giao dịch tới hết ngày 29 tháng Chạp. Sau tết lại mở cửa giao dịch từ ngày mùng 4 tết, cùng đó là chương trình huy động dịp tết mang tên "Xuân Canh Tý đón quà như ý” đã được triển khai với nhiều quà tặng rất hấp dẫn nên thu hút được lượng khách hàng đến gửi tiền khá lớn. 

Theo số liệu thống kê, tháng 1 và 5 ngày đầu tháng 2/2020, Bưu điện Yên Bái đã huy động được trên 100 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm. Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái vẫn là đơn vị dẫn đầu trong khối các ngân hàng thương mại về công tác huy động. Chỉ tính riêng 7 ngày làm việc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, Ngân hàng này đã đạt lượng tiền gửi dân cư trên 91 tỷ đồng.

Sau tết, dòng tiền nhàn rỗi đã và đang chảy vào các ngân hàng. Đây là dịp rất tốt để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động, tăng trưởng nguồn vốn để đầu tư cho vay; đó cũng là tín hiệu tích cực cho cả nền kinh tế năm 2020 - năm được dự báo sẽ có sự tăng tốc về kinh tế.

Lê Phiên

Tags Yên Bái Tiền nhàn rỗi ngân hàng lãi suất gửi tiết kiệm

Các tin khác
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt 314.162 tấn, tăng 6.669,3 tấn so với năm 2018.

Định hướng, giải pháp sản xuất nông nghiệp năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM)...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Phó Thủ tướng giao Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam khẩn trương thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo đúng quy định pháp luật.

Người dân chờ bệnh dịch tả lợn châu Phi lắng dịu mới dám tái đàn mới. Ảnh minh họa

Người dân không nên tái đàn ồ ạt dễ làm phát sinh dịch bệnh. Đây là khuyến cáo của tỉnh Bến Tre đến các hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất sau khi hết dịch tả lợn châu Phi.

Chị Hoàng Thị Hiện, thôn Làng Na 2, xã Phúc Ninh (đứng giữa) có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ việc nuôi cá lồng.

Nhiều hộ ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình đã phát triển chăn nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới trên các eo ngách hồ Thác Bà. Hiện xã có gần 30 ha mặt nước nuôi cá eo ngách, ao và 126 lồng cá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục