Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện xây dựng và ban hành nghị quyết, kế hoạch cụ thể về công tác giảm nghèo gắn với lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, tập trung ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Năm 2019, tổng nguồn vốn Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện là trên 188 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 172 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 12 tỷ đồng; các nguồn hỗ trợ khác và người dân đóng góp gần 4 tỷ đồng.
Trong năm, gần 50 tỷ đồng đã được đầu tư cho 8 công trình mới, thực hiện 5 công trình chuyển tiếp như đường xã Túc Đán, kinh phí trên 5,6 tỷ đồng; đường Tà Xi Láng, kinh phí 5,7 tỷ đồng; thủy lợi Giao Lâu, xã Pá Lau, kinh phí trên 1,7 tỷ đồng; thủy lợi Tà Ghênh - Kháo Dê, xã Bản Công, kinh phí gần 5 tỷ đồng…
Chương trình 135 với tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng đầu tư cho 5 công trình mới và 9 công trình chuyển tiếp như thủy lợi Háng Dử Lứ - Chống Ghênh, xã Phình Hồ; thủy lợi Trông Mi, xã Trạm Tấu; thủy lợi Sùng Nhà Tồng, thôn Tà Chơ, xã Làng Nhì…
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã hỗ trợ 17.378 kg ngô giống cho 2.213 lượt hộ; bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng với diện tích 33.868 ha với 5.623 lượt hộ tham gia; hỗ trợ và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 với tổng kinh phí trên 7,4 tỷ đồng gồm 7.751 kg ni lon che mạ cho 4.900 lượt hộ; 66.348 kg lúa giống cho 10.911 lượt hộ; 26.375 kg ngô giống cho 3.069 lượt hộ…
Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã thực hiện 6 mô hình giống lúa tẻ đỏ, diện tích 5 ha do 45 hộ xã Hát Lừu thực hiện, năng suất 50 tạ/ha; mô hình khảo nghiệm giống lúa GS55, diện tích 0,5 ha do 1 hộ thực hiện tại thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, năng suất đạt 50 tạ/ha.
Cùng đó là mô hình trồng khoai sọ trên đất kém hiệu quả, diện tích 3 ha với 10 hộ tại thôn Tà Xùa, xã Bản Công, năng suất đạt 75 tạ/ha; mô hình trồng dưa bở trên đất không chủ động nguồn nước, diện tích 1 ha, 4 hộ tại thôn 17 xã Trạm Tấu tham gia, năng suất 65 tạ/ha; mô hình ngô lai LVN 99, diện tích 1 ha, thực hiện tại xã Bản Mù và xã Trạm Tấu, năng suất đạt 31 tạ/ha…
Cùng với đó, huyện triển khai nhiều tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, cận nghèo như mở 11 lớp dạy nghề cho 330 lao động nông thôn; 928 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với mức vay bình quân 44,9 triệu đồng/hộ; tổng kinh phí hỗ trợ về giáo dục đào tạo trên 41 tỷ đồng và 720 tấn gạo.
Chính sách y tế, đã hỗ trợ mua 26.286 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, kinh phí trên 24 tỷ đồng, 76 hộ được hỗ trợ về nhà ở, kinh phí 3,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, người nghèo còn được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, hỗ trợ tiền điện và công tác bảo trợ xã hội và an sinh xã hội đảm bảo đúng, đủ, kịp thời theo quy định của Nhà nước. Với nhiều nỗ lực cố gắng, năm 2019, huyện Trạm Tấu đã giảm 8,81% hộ nghèo, tương đương với 458 hộ thoát nghèo so với năm 2018.
Thạch Phong