Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, do mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao. Cùng đó, bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc đã xảy ra tại một số tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ... bệnh cúm gia cầm xuất hiện tại Nghệ An.
Tại Yên Bái, BDTLCP được khống chế từ cuối tháng 12/2019, nhưng đến đầu tháng 2/2020 dịch tái phát tại 3 xã ở huyện Lục Yên. Cùng đó, đầu tháng 1/2020 bệnh LMLM xuất hiện tại huyện Văn Yên và hiện là huyện Trạm Tấu. Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương, người dân cần tăng cường chủ động các phương pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, diễn biến bất lợi của thời tiết vào dịp này là môi trường thuận lợi cho các loại vi - rút tấn công vật nuôi. Cùng đó, việc giết mổ gia súc, gia cầm phục vụ tết Nguyên đán tăng cao cũng là nguyên nhân lây lan, bùng phát các loại dịch bệnh. Cụ thể, đầu tháng 2/2020, BDTLCP đã phát sinh lại tại 3 xã của huyện Lục Yên là: Mường Lai, Minh Chuẩn và Khánh Hòa và có 72 con lợn tại 8 hộ buộc phải tiêu hủy với trọng lượng trên 3.470 kg.
Tại xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu có 6 con bò mắc bệnh LMLM. Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngày 7/2/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái có Công văn số 229 về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống BDTLCP và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là BDTLCP. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các cơ quan đơn vị chuyên môn, các ngành chức năng tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản dưới luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tổng đàn gia súc chính 620.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 51.000 tấn; trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính 44.000 tấn. Do đó, việc chủ động làm tốt phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được xem là yếu tố hết sức quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển chăn nuôi.
Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chi cục chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh; chính quyền cơ sở và người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng cường thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống tới cán bộ và người chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; thông tin kịp thời, chính xác các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.
Chi cục cũng yêu cầu người chăn nuôi và chính quyền các địa phương khi phát hiện vật nuôi ốm, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Cùng đó, cần làm tốt việc kiểm dịch vận chuyển, tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành ở huyện, xã; kiểm soát chặt chẽ, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cho đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2019 toàn tỉnh tiêm phòng được 649.727 liều vắc - xin các loại; trong đó, 88.700 liều tụ huyết trùng trâu, bò; 176.800 liều tụ huyết trùng, phó thương hàn ở lợn; 162.000 liều dịch tả lợn; gần 142.000 liều LMLM trâu, bò, lợn. Chi cục đã cấp gần 32.000 lít thuốc sát trùng, trong đó: hơn 6.780 lít phòng chống bệnh LMLM, 13.030 lít sát trùng phòng chống BDTLCP và 12.081 lít phun cúm gia cầm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm Kế hoạch tiêm phòng trong năm 2020, tỉnh tiêm vắc - xin tụ huyết trùng trâu, bò 201.909 liều; vắc xin tụ huyết trùng lợn 750.615 liều; vắc - xin dịch tả lợn 750.615 liều; vắc - xin dại chó 80.000 liều; LMLM 170.700 liều.
Hiện, Chi cục đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn toàn tỉnh năm 2020 với tổng số thuốc sát trùng trên 6.000 lít sẽ phun ở 1.364 thôn, bản, tổ dân phố của 173 xã, phường, thị trấn.
Các loại dịch bệnh như: BDTLCP, LMLM trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được khống chế và nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, thì không những người chăn nuôi gặp khó mà ảnh hưởng rất lớn tới tình hình phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, trước tình hình BDTLCP hay nhiều loại dịch khác có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Với cơ chế lây lan nhanh, chưa có vắc - xin phòng trừ, kèm theo điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, thời tiết diễn biến bất thường; do vậy, người dân phải hết sức thận trọng khi tái đàn và điều cần thiết hiện nay là phải tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Hồng Duyên