P.V: Thưa ông, đề nghị ông cho biết những nét cơ bản và sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm?
Ông Đặng Bình Nguyên: Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm, chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do vi rút cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae, chứa ARN, có vỏ bọc bằng lipit.
Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút.
Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng; tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày.
Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người (vi rút cúm A/H7N9).
P.V: Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay? Kinh nghiệm rút ra từ thực tế chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn gia cầm là gì, thưa ông?
Ông Đặng Bình Nguyên: Hiện nay, Yên Bái có 102.021 hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó: 480 cơ sở chăn nuôi qui mô lớn từ 500 con trở lên; 40.200 cơ sở chăn nuôi từ 100 con đến dưới 500 con; 61.341 cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 100 con. Theo số liệu thống kê, tổng đàn gà, vịt, ngan, ngỗng là hơn 5,2 triệu con.
Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay được người chăn nuôi chủ động thực hiện như: tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại. Do vậy, trên đàn gia cầm những năm qua không phát sinh dịch nguy hiểm như: cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, dịch tả vịt…
Để phòng chống dịch hiệu quả, kinh nghiệm rút ra là phải chủ động phòng bệnh cho đàn gia cầm, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột; hạn chế người ngoài ra vào khu vực chăn nuôi, che chắn chuồng trại; kiểm soát nguồn con giống nhập về để chăn nuôi phải rõ nguồn gốc, được nuôi cách ly, theo dõi.
P.V: Thưa ông, để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai ra sao? Có những thuận lợi và khó khăn như thế nào trong quá trình tổ chức thực hiện?
Ông Đặng Bình Nguyên: Thực hiện Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người; Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 03/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Công văn số 212/UBND ngày 06/02/2020 về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người; chỉ đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Giao thông Vận tải, Tài chính, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các đoàn thể chủ động phòng chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người.
Chi cục cũng tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, Kế hoạch Khẩn cấp phòng chống bệnh cúm gia cầm, ban hành Hướng dẫn số 148/HD-SNN-TY ngày 11/02/2020 hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh cúm A(H5N1) trên gia cầm.
Hiện tại, các địa phương đang triển khai Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh. Chi cục đã cấp 6.045 lít thuốc sát trùng cho các huyện, thị xã, thành phố để phun khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh và thực hiện trong tháng 2/2020.
Thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện là UBND tỉnh, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao. Khó khăn do chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc nên làm tăng nguy cơ dịch bệnh; khâu kiểm soát vận chuyển gia cầm giết mổ tại các địa phương chưa được triệt để là yếu tố khiến dịch bệnh có thể phát sinh, lây lan; không có hệ thống thú y cơ sở xã, phường, thị trấn nên việc thực hiện giám sát dịch, thông tin dịch bệnh hạn chế. Một điều cần quan tâm nữa là do dịch cúm gia cầm từ lâu không xảy ra trên địa bàn tỉnh dẫn tới có những hộ chăn nuôi, người chăn nuôi chủ quan, không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (thực hiện)