Ông Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: trên cơ sở Đề án tái cơ cấu của tỉnh, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, huyện xây dựng và triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Mục tiêu chính là phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới hình thức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm; sản xuất an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường. Xây dựng các xã, các địa phương từ vùng thấp đến vùng cao ngày một giàu đẹp và trở thành những vùng quê đáng sống.
Bằng những việc làm cụ thể, các xã đều xây dựng phương án, kế hoạch triển khai thực hiện và xác định rõ địa phương mình, thôn, bản mình là cây gì, con gì…
Cùng đó, huyện triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ sản xuất một cách cụ thể; đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất điểm, mô hình ứng dụng công nghệ cao có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Văn Yên cùng với huyện Văn Chấn là hai địa phương tiên phong xây dựng mô hình cánh đồng một giống rất hiệu quả là tiền đề để sản xuất lúa gạo hàng hóa.
Trong đề án chăn nuôi, huyện triển khai thực hiện 276 cơ sở với kinh phí gần 6 tỷ đồng; trong đó, chăn nuôi trâu, bò tập trung quy mô từ 10 con trở lên được 83/60 cơ sở; quy mô từ 30 con trở lên 10 cơ sở; chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa, đã hỗ trợ 11 cơ sở; chăn nuôi lợn sinh sản quy mô từ 15 con trở lên, đã hỗ trợ 60 cơ sở; chăn nuôi gia cầm tập trung 1.000 con, đã hỗ trợ 54 cơ sở…
Trong chăn nuôi thủy sản, huyện cải tạo ruộng kém hiệu quả thành ao nuôi cá, hỗ trợ đóng mới lồng nuôi cá… Đề án hỗ trợ phát triển cây quế kế hoạch chỉ có 7.700 ha đến hết năm 2010, nhưng đến cuối năm 2019 đã thực hiện được gần 10.000 ha. Hiện tại, huyện có một vùng quế sạch, vùng quế an toàn theo hướng hữu cơ trên 23.000 ha, trong đó, đạt tiêu chuẩn và được chứng nhận quốc tế là trên 1.200 ha…
Trong vài năm gần đây, huyện đã, đang dần chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Dẫu là một nghề mới mẻ với người dân Văn Yên, nhưng với sự chỉ đạo, hướng dẫn cũng như tuyên truyền về tính hiệu quả của nghề dâu tằm nên nông dân đã đưa vào phát triển khá nhanh.
Tính riêng năm 2019, đã trồng mới 135 ha dâu, xây dựng 3 nhà tằm con, 60 nhà tằm lớn và 75 bộ né gỗ ô vuông. Huyện xác định trồng dâu nuôi tằm là một ngành kinh tế chủ lực và phấn đấu đến 2025 phát triển vùng dâu trên 595 ha.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng 4 dự án sản xuất theo chuỗi sản phẩm, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng: dự án chuỗi bưởi da xanh Văn Yên 9.781 triệu đồng; dự án chuỗi rau, củ, quả an toàn Văn Yên 3.434 triệu đồng; dự án chuỗi sắn gắn với canh tác bền vững 9.900 triệu đồng và dự án chuỗi măng tre Bát độ 6.568 triệu đồng.
Việc triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế rõ nét và là động lực quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp. Quan trọng hơn cả là tập quán canh tác của người dân đã có sự thay đổi, sản xuất nông, lâm nghiệp từng bước chuyển sang nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực; bước đầu hình thành phương thức sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa các hộ sản xuất, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.
Phát huy thành quả đã đạt được, năm 2020 và những năm tiếp theo, Văn Yên tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai Phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện các đề án, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách hiệu quả hơn nữa.
Ngọc Trúc