Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chủ trương, nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân.
Trong đó, tỉnh tập trung vào 8 đề án gắn với các cây, con cụ thể; từ đó, các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, từ một nền sản xuất tự cung, tự cấp, đến nay, đã chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường.
Hiện, Yên Bái đã hình thành rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân như vùng lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 450 ha với sản lượng kén tằm trên 400 tấn/năm, vùng cây ăn quả gần trên 8.000 ha, vùng chè 8.000 ha, trong đó, chè shan vùng cao trên 1.700 ha, tre măng Bát độ trên 4.000 ha, quế gần 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha và hơn 1.500 lồng cá với sản lượng trên 8.500 tấn; phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ trên 100.000 ha.
Các mô hình sản xuất mới được nhân rộng và triển khai thực hiện hiệu quả, được nhân dân đón nhận; đồng thời, đã thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Yên Bái.
Đây là nền tảng quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, cải thiện mức sống của người dân, XDNTM bền vững. Điều ấn tượng nhất là từ một tỉnh gần như không có một sản phẩm hoa quả hàng hóa, nay đã phát triển, hình thành vùng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.
Bằng cơ chế, chính sách phù hợp, toàn tỉnh đã có trên 8.397 ha cây ăn quả, sản lượng hàng năm đạt trên 40.000 tấn. Đặc biệt, đã phát triển được vùng cây ăn quả đặc sản có múi trên 2.000 ha (Yên Bình 200 ha, Văn Chấn 1.700 ha, Lục Yên 735 ha).
Nhờ phát triển cây ăn quả, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở nhiều vùng quê. Lợi nhuận 1 ha bưởi ở xã Đại Minh, Hán Đà, huyện Yên Bình trồng sau 5 năm đạt 150 triệu đồng; năm thứ 10 cho thu trên 300 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây cam ở Văn Chấn, Lục Yên, sau 5 năm cho lợi nhuận 110 triệu đồng/ha/năm, đến năm thứ 10 đạt 230 triệu đồng/ha/năm.
Trong chăn nuôi và thủy sản, trước đây, nông dân chủ yếu nuôi quảng canh, nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính thì nay chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
Tuy nhiên, khi sản xuất nông nghiệp phát triển thì việc tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển vững. Từ đó, việc kết nối cung - cầu được coi là mắt xích liên kết không thể thiếu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Nhận thức rõ tầm quan trọng cung - cầu, những năm gần đây, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho nông sản.
Về vấn đề này, ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đã ý thức hơn được việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Với thực tế hiện nay, nhất thiết người sản xuất phải biết nâng cao năng lực, ý thức sản xuất để có những sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường. Cùng đó, đặc biệt chú ý xây dựng thương hiệu sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh tuyên truyền tới mọi người dân từ sản xuất đến tiêu dùng thay đổi tư duy, thói quen sử dụng sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu cả số lượng, chất lượng khi đưa ra các kênh tiêu thụ.
Để đưa các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đến với thị trường trong, ngoài nước, năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức; trong đó, tham gia 5 chương trình hội chợ tại một số địa phương; hỗ trợ cho 75 cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và mua máy in tem sản phẩm; 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm; 81 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm và nhiều hội thảo, chương trình chuyên đề kết nối cung - cầu...
Bằng những việc làm cụ thể, Yên Bái đã có nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản bày bán tại các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị lớn: quýt sen, cam lòng vàng Văn Chấn của HTX Sản xuất và Dịch vụ cam an toàn Văn Chấn; cam sành Lục Yên của HTX Cam sành Lục Yên; gạo nếp Tú Lệ của HTX Nông nghiệp Tú Lệ; thịt sấy (3 sản phẩm - trâu sấy, thịt lợn sấy, lạp xường) của cơ sở sản xuất tư nhân Trương Thị Hải Yến - Nghĩa Lộ… vào hệ thống siêu thị BigC Thăng Long, Hapro… Các sản phẩm từ tinh dầu quế của Công ty Đại Phú An (Văn Yên); và 2 sản phẩm (Trà quế Văn Yên, nước lau sàn hương quế) của Công ty Quế Phát - Văn Yên đưa vào hệ thống siêu thị Hapro…
Với những cách làm và hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là những hoạt động kết nối cung cầu, đã tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản của Yên Bái vươn ra thị trường trong, ngoài nước. Phấn khởi hơn là có nhiều sản phẩm đã vào được các siêu thị, nhà phân phối có uy tín, khó tính nhất. Đây là những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà sản xuất cùng nhau sản xuất và tiêu thụ nông sản, đưa sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.
Thanh Phúc