Người dân cần bình tĩnh trước diễn biến mới của dịch Covid-19

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/3/2020 | 7:59:03 AM

YênBái - Sau khi ca thứ 17 của Việt Nam được công bố nhiễm bệnh Covid-19 ở Hà Nội ngày 6/3, ngay ngày hôm sau, một bộ phận người dân thành phố Yên Bái đổ xô đi mua sắm tích trữ các loại nhu yếu phẩm, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Tới ngày 8/3, dạo quanh 1 vòng các cửa hàng, đại lý có bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, việc mua bán đã trở lại bình thường sau một ngày “náo loạn”.

Các đại lý gạo trên địa bàn thành phố Yên Bái đang bảo đảm nguồn cung cho khách hàng.
Các đại lý gạo trên địa bàn thành phố Yên Bái đang bảo đảm nguồn cung cho khách hàng.


Từ ngày 7/3, tại một số địa bàn quanh khu vực thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình, có hiện tượng người dân đổ xô đi mua gạo, mì tôm và một số nhu yếu phẩm khác về tích trữ, dự phòng với mục đích phòng khi dịch Covid-19 có thể lây lan rộng, bị cách ly, giá sẽ tăng và thiếu nguồn cung. Lượng người mua hàng tăng đột biến từ 400 - 500% so với những ngày trước đó và mỗi người đều mua nhiều mặt hành với giá trị hóa đơn rất lớn. 

Bà Hoàng Thị Sơn - chủ cửa hàng tạp hóa Km 4 chia sẻ: "Ngày hôm qua, cửa hàng mở cửa từ 7 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm mà tôi không kịp ăn cơm vì khách vào liên tục, khách đông gấp 5 lần ngày thường, cả ngày bán gần 200 đơn hàng, mỗi đơn hàng từ 500 nghìn đến vài triệu đồng. Khách đông, mua lượng hàng lớn nhưng giá các mặt hàng không hề tăng, một số mặt hàng hiện đang khan hiếm nhưng cửa hàng vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngày hôm nay lượng khách đã trở lại bình thường”. 

Tại chợ Yên Ninh, ngày Chủ nhật 8/3 vẫn tấp nập như thường. Tuy giá một số mặt hàng rau xanh  nhích hơn một chút so với những ngày gần đây do ảnh hưởng của cơn bão tối ngày 2/3 chứ không có hiện tượng tăng giá ăn theo dịch Covid-19. 

Theo các tiểu thương bán thịt tại chợ, từ hôm có thông tin dịch Covid xuất hiện ở Hà Nội thì nhu cầu mua thịt của người dân và mua với số lượng nhiều có tăng hơn những ngày trước đó vì họ mua để gửi cho người nhà dưới Hà Nội. 

Với chị Lê Thị Yến ở tổ 11, phường Yên Ninh, khi nghe những thông tin về dịch đang lây lan ở Hà Nội, chị vẫn tin tưởng vào công tác phòng chống dịch của chính quyền địa phương và người dân nhưng thấy nhiều người đi mua đồ về tích trữ nên chị mua mì tôm, gạo để gửi cho con trai đang làm việc tại Hà Nội. 

Chị Yến cho biết: "Giờ gọi con về cũng không được vì như thế sẽ càng nguy hiểm hơn, sẽ khó kiểm soát hơn trong công tác phòng, chống dịch. Thấy thông tin ở Hà Nội người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ nên tôi cũng đi mua để gửi cho con chứ tôi không mua về dự trữ tại nhà vì Yên Bái mình hàng hóa còn nhiều”.

Có mặt tại một số đại lý bán gạo lớn trên địa bàn thành phố Yên Bái, chúng tôi ghi nhận cảnh mua bán diễn ra bình thường, thậm chí có cửa hàng cả 1 tiếng đồng hồ không có khách đến mua gạo hoặc có khách thì cũng chỉ mua 5-10 kg do nhà đã hết gạo ăn. Chị Nguyễn Thị Thu Hà ở tổ 8, phường Đồng Tâm chia sẻ: "Nhà hết gạo nên tôi đi mua chứ không có tư tưởng mua để dự trữ, đây tôi cũng mua có 10 kg, giá thì vẫn như ngày thường”.

Chủ các đại lý gạo đều cho biết hiện trong kho còn vài chục tấn gạo mà đầu dưới cũng bảo đảm khi hết sẽ cung cấp đủ nên người dân không nên hoang mang lo lắng. Bà Trần Thị Bình - chủ đại lý gạo Hải Bình Km 5 cho biết: "Trong kho của gia đình ở xã Minh Bảo hiện còn 50 tấn gạo, giá thì vẫn giữ nguyên không tăng một nghìn nào, chúng tôi bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng”. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày qua việc người dân đổ xô đi mua các mặt hàng nhu yếu phẩm do một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội bị cách ly do dịch Covid-19, nhiều gia đình có con cái, người thân đã mua gom hàng để gửi về. Mặt khác lo ngại khi dịch bùng phát, nguồn hàng cung cấp lên Yên Bái không còn nhiều, giá cả có thể tăng, đã tạo ra tâm lý lo lắng và tích trữ lương thực, thực phẩm của người dân. 

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì người dân không nên hoang mang; không cần thiết mua tích trữ lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm, chỉ nên mua số lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình nhằm tránh tạo ra sự đột biến trong mua sắm, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của cả cộng đồng. 

Trước tình hình đó, ngày 7/3, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 521 yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh giao Sở Y tế theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin thường xuyên liên tục về tình hình dịch bệnh và thông báo của Bộ Y tế về những trường hợp là người Yên Bái (nếu có) đi trên chuyến bay VN0054 về Sân bay Nội Bài lúc 4 giờ 30 ngày 2/3/2020 và Bệnh viện Hồng Ngọc (55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội) ngày 5/3/2020 (những nơi mà bệnh nhân thứ 17 đã đi/đến). 

Khi phát hiện có trường hợp công dân của tỉnh hoặc các trường hợp liên quan đi, đến, lưu trú trên địa bàn tỉnh liên quan tới bệnh nhân thứ 17 thì thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly, theo dõi theo quy định. Các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở Y tế - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; thông tin báo cáo kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch. 

Trưởng ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện ngay việc rà soát thống kê danh sách những công dân trên địa bàn tỉnh từ nước ngoài trở về địa phương chưa qua 14 ngày (từ ngày 24/2/2020) báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, đồng thời tiến hành theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú theo quy định. Khi có các biểu hiện của bệnh (sốt, ho, khó thở…) thông báo ngay cho cơ sở y tế để kịp thời cách ly, điều trị, phòng, chống lây nhiễm; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo kịch bản 4 tình huống đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 16 ngày 31/01/2020 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. 

Hiện nay, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nếu người dân không giữ bình tĩnh mà lo lắng, đổ xô đi mua hàng tích trữ sẽ khiến chúng ta đặt hệ miễn dịch của mình vào tình trạng nguy hiểm vì hành động "chen chúc, đổ xô” và căng thẳng quá mức hơn là vì vi rút. 

Để phòng, chống dịch hiệu quả, người dân cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã; những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ có viêm phổi do dịch Covid-19  trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời; khi xuất hiện dịch bệnh, nếu cộng đồng có tình trạng hoảng loạn sẽ làm rối loạn xã hội và cản trở tất cả các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng về nguy cơ, bình tĩnh và phối hợp với ngành y tế cũng là một nhiệm quan trọng để đảm bảo khống chế dịch bệnh hiệu quả

Thông tin từ Bộ Y tế, đến 7 giờ 30 phút sáng ngày 8/3, Việt Nam có 21 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 16 người mắc Covid-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện còn 5 ca nhiễm Covid-19 gồm: 1 phụ nữ, 26 tuổi tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Ý, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020; 1 nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) ngày 17/2, trở về Việt Nam ngày 4/3/2020; 2 người tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân 26 tuổi tại Hà Nội đã xác định nhiễm Covid-19 ngày 6/3; 1 nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với bệnh nhân 26 tuổi đã xác định dương tính với Covid-19 ngày 6/3. Đã có 1.992 ca xét nghiệm âm tính; số trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) là 101 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái Covid mì tôm gạo dự trữ

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục