Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và thị trường cũng như việc phát triển ngành nghề nông thôn khá mạnh mẽ thì bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã bao bì lạc hậu, thủ công, đầu ra sản phẩm không ổn định, giá trị không cao.
Để phát triển hơn nữa, Trấn Yên đã, đang xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực; tạo sự vào cuộc, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững.
Từ một địa phương gần như không có gì, hàng năm thiếu cả trăm tấn lương thực, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, căn cơ, phù hợp với đất đai, trình độ thâm canh của người dân, xây dựng hình thành rõ nét các vùng phát triển kinh tế chủ lực...
Nhờ vậy, đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp Trấn Yên phát triển mạnh mẽ, không chỉ đủ ăn mà còn hình thành và sản xuất hàng hóa khối lượng lớn mang lại giá trị kinh tế cao. Không làm ào ào, mà làm bài bản có quy hoạch liền ô, liền thửa gắn với chế biến như vùng tre măng Bát độ trên 3.400 ha, vùng quế trên 15.000 ha, chè chất lượng cao 200 ha, vùng trồng dâu trên 700 ha, vùng trồng cây ăn quả có múi trên 700 ha và trên 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa.
Nói đến Trấn Yên mà không nói đến măng tre Bát độ, kén tằm, quế, chè Bát tiên... thì quả là một khiếm khuyết lớn. Bởi đây là những sản phẩm chủ lực đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cây tre măng Bát độ chính thức được trồng ở Yên Bái từ năm 2000 và đến nay toàn tỉnh có trên 6.000 ha, tập trung ở Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên.
Tại Trấn Yên, cây tre măng Bát độ phát triển tốt và phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương và cho năng suất rất cao, thời gian cho sản phẩm dài hơn các loài tre măng khác, chất lượng măng ngon và có giá trị xuất khẩu.
Để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tăng thu nhập cho người lao động, huyện đã có những hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cùng với những cây trồng chính như lúa, chè, dâu tằm, tre măng Bát độ đã và đang phát huy hiệu quả nhất định.
Thực tế cho thấy, tre măng Bát độ ở Trấn Yên đã phát triển mạnh không chỉ về chất mà còn tăng cả về lượng. Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc, đặc biệt là vấn đề đầu tư chăm sóc của người dân còn nhiều hạn chế nên đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng măng khi chế biến.
Nhiều diện tích tre măng Bát độ hiện đang có chiều hướng năng suất giảm mạnh, gốc ít măng, măng bé, đất đai cằn cỗi và có xu thế thoái hóa mạnh. Một trong những nguyên nhân đó chính là việc đầu tư, chăm sóc của người dân còn chưa đầy đủ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự "dễ tính” của loài cây này.
Để phát triển và nâng cao giá trị trong sản xuất đối với cây tre măng Bát độ nói riêng và các sản phẩm hàng hóa nói chung, huyện đã triển khai thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gồm:
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm gà Minh Dư thương phẩm - đơn vị chủ trì dự án là Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ QM;
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ Trấn Yên - đơn vị chủ trì dự án là Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện;
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu nuôi tằm và chế biến kén tằm - đơn vị chủ trì dự án là Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc;
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Trấn Yên - đơn vị chủ trì dự án là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ngọc Kỳ có địa chỉ tại Trâu Quỳ, Gia Lâm (Hà Nội).
Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là cả một quá trình từ khâu nâng cao năng lực cho các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... đến sản xuất sản phẩm, đổi mới công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn quy định; quảng bá giới thiệu đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện một cách bền vững, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Các dự án tuy mới triển khai, nhưng đã thu được những kết quả nhất định. Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm gà Minh Dư thương phẩm đã được Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ MQ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, vắc-xin và hóa chất sát trùng hỗ trợ cho các hộ tham gia trong chuỗi liên kết cho khu chăn nuôi tập trung của Hợp tác xã và 45 hộ tham gia.
Năm 2019, Hợp tác xã cùng với 16 hộ chăn nuôi tại xã Minh Quán thực hiện Dự án "Xây dựng cơ sở chăn nuôi gà Minh Dư và Lạc Thủy an toàn sinh học theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP” với quy mô 80.000 con.
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu nuôi tằm và chế biến kén tằm năm 2019, triển khai trồng mới 200 ha dâu, triển khai các hạng mục thực hiện đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm theo đề án.
Năm 2020, tiếp tục triển khai chuỗi liên kết trồng dâu nuôi tằm theo các nội dung thuyết minh dự án đã được phê duyệt. Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Trấn Yên đã bắt đầu triển khai đối với các hạng mục nhà xưởng, máy móc, công cụ sản xuất và một số vật tư khác...
Việc triển khai các Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với định hướng phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh và huyện Trấn Yên; phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng cũng như tạo sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất ổn định bền vững.
Ngọc Trúc