Kể từ khi tái thành lập đến nay (1/4/1990-1/4/2020) các thế hệ cán bộ KBNN tỉnh Yên Bái đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao phó.
Trong đó, KBNN tỉnh Yên Bái đã cùng ngành tài chính làm tốt việc hoạch định chính sách, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách xã hội... góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cách đây 30 năm, ngày 1/4/1990 Chi cục KBNN Hoàng Liên Sơn được thành lập với biên chế chỉ có 190 người làm việc tại 5 phòng nghiệp vụ thuộc Văn phòng KBNN tỉnh và 17 chi nhánh KBNN các huyện, thị xã của 3 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trong 9 tháng của năm 1990, dưới sự lãnh đạo, quan tâm giúp đỡ của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Cục KBNN cùng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của tập thể Ban Giám đốc đứng đầu là đồng chí Đinh Văn Tiếu, đồng chí Trần Tấu, đồng chí Nguyễn Văn Toản, đồng chí Nguyễn Công Tôn, đồng chí Bùi Văn Đinh cùng toàn thể công chức và người lao động Chi cục KBNN tỉnh Hoàng Liên Sơn, KBNN tỉnh Yên Bái đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ như: xây dựng trụ sở làm việc và trang bị công cụ làm việc cho 18 đơn vị KBNN toàn tỉnh; ổn định tổ chức, mở 4.821 tài khoản và tiến hành giao dịch với 2.381 đơn vị.
Tổ chức hạch toán kế toán và thống kê các hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), tiền gửi kho bạc và các nguồn vốn tài chính Nhà nước khác tại ngân hàng, các tài sản, tiền tạm giữ chờ xử lý, các khoản tịch thu đưa vào tài sản của Nhà nước với doanh số hoạt động là 358 tỷ đồng, tổng thu NSNN là 49 tỷ đồng; trong đó, số thu NSNN trên địa bàn là gần 11 tỷ đồng; tổng chi NSNN là gần 81 tỷ đồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN và tổ chức huy động, quản lý các nguồn vốn vay dân và trả nợ dân trên địa bàn.
Khi mới thành lập, chỉ với 135 biên chế, với 6 phòng nghiệp vụ, cơ sở vật chất thiếu thốn... nhưng với sự nỗ lực cao độ của cán bộ, công chức KBNN tỉnh Yên Bái đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với doanh số hoạt động là trên 3.221 tỷ đồng; tổng thu ngân sách 183 tỷ đồng; chi ngân sách 232 tỷ đồng; thực thu ngân sách trên địa bàn 32 tỷ đồng.
Đến hết năm 2019, thực hiện Quyết định số 1618/QĐ-BTC ngày 22/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 4525/QĐ-KBNN ngày 04/9/2019 của Tổng Giám đốc KBNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng và văn phòng thuộc KBNN ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, KBNN tỉnh Yên Bái có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và văn phòng cùng 8 KBNN huyện, thị xã thực hiện giao dịch với 1.680 đơn vị sử dụng ngân sách, với 9.555 tài khoản giao dịch. Tổng số thu NSNN từ đầu năm đến 31/12/2019 là 18.419 tỷ 565 triệu đồng; tổng chi NSNN là 24.054 tỷ 412 triệu đồng; trong đó, tổng chi cân đối ngân sách địa phương là 11.471 tỷ 057 triệu đồng; trong đó, chi thường xuyên ngân sách địa phương là 6.586 tỷ 649 triệu đồng.
Có thể nói, từ những chức năng, nhiệm vụ ban đầu chỉ là tập trung nguồn thu, thực hiện xuất quỹ theo yêu cầu của cơ quan tài chính, huy động và quản lý các nguồn vốn vay, trả nợ dân, hoạch toán kế toán các hoạt động thu, chi ngân sách, các chức năng nhiệm vụ cả KBNN không ngừng được hoàn thiện và bổ sung.
Đến nay, KBNN thực hiện các chức năng của một cơ quan kho bạc hiện đại, bao gồm: quản lý Nhà nước về NSNN, các quỹ tài chính Nhà nước; quản lý ngân quỹ Nhà nước; tổng kế toán Nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.
Có thể khẳng định trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc KBNN tỉnh Yên Bái qua các thời kỳ cùng với toàn thể cán bộ trong ngành đã luôn đoàn kết nhất trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao. KBNN tỉnh Yên Bái đã góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hệ thống quản lý tài chính công, tạo dựng niềm tin của người dân vào những đồng tiền thuế được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Trong quản lý quỹ NSNN, luôn đổi mới cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ về quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính Nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo hướng: đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với Luật NSNN và các thông lệ quốc tế, nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đã kiểm soát và trả lại khách hàng 22.550 chứng từ không đủ thủ tục thanh toán với số tiền 1.312 tỷ đồng. Đã từ chối thanh toán do sai chế độ, tiêu chuẩn định mức chi tiêu 1.096 chứng từ, số tiền 17 tỷ 480 triệu đồng.
Luôn đổi mới công tác quản lý ngân quỹ Nhà nước theo quy định của Luật NSNN, đảm bảo quản lý ngân quỹ Nhà nước an toàn và hiệu quả; gắn kết quản lý NSNN với quản lý nợ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Tổ chức huy động tối đa nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chi NSNN và cho đầu tư phát triển; đồng thời, đảm bảo an toàn và bền vững nợ công; đảm bảo an toàn hệ thống và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để huy động vốn an toàn và hiệu quả cho nền kinh tế.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh Yên Bái triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước.
Trong thời gian từ năm 1991 đến năm 2010, KBNN tỉnh Yên Bái đã huy động được 728 tỷ đồng qua kênh phát hành trái phiếu KBNN và thanh toán trả nợ dân 666 tỷ đồng tiền công trái xây dựng Tổ quốc và trái phiếu KBNN. Đối với kế toán, thanh toán, quyết toán NSNN và tổng kế toán Nhà nước (KTNN): thực hiện chế độ KTNN áp dụng cho TABMIS phù hợp với Luật NSNN năm 2015 và Luật Kế toán năm 2015; hoàn thiện công tác thanh toán đảm bảo việc thanh toán được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và an toàn về tài sản; cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình NSNN, quyết toán NSNN, tình hình tài chính Nhà nước, bao gồm: báo cáo về tình hình tài chính Nhà nước; báo cáo kết quả hoạt động tài chính Nhà nước; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; thuyết minh báo cáo tài chính Nhà nước.
Từ đó, đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách và tài chính Nhà nước, công tác hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính Nhà nước của Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước khác… cho đến công tác kho quỹ đến cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, phát triển công nghệ thông tin cũng như công tác thanh tra, kiểm tra… luôn được xây dựng và phát triển, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế chính sách gắn với hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin.
Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành kho bạc điện tử. Với những kết quả đã đạt được trong suốt 30 năm qua của các thế hệ cán bộ KBNN tỉnh Yên Bái đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Yên Bái và các bộ, ngành ghi nhận và trao tặng các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng cao quý cho các tập thể và nhiều cá nhân của đơn vị.
Kho bạc Nhà nước tỉnh Yên Bái vinh dự được Chính phủ tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018.
Trước yêu cầu đổi mới công tác quản lý tài chính trong giai đoạn hiện nay, KBNN tỉnh Yên Bái tiếp tục bám sát các quy định của Luật NSNN và các văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan nhằm triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định, bảo đảm công tác quản lý thu, chi NSNN trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất; đảm bảo an ninh, an toàn và các điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin thực hiện tốt hoạt động thu, chi NSNN.
Tham mưu kịp thời, phù hợp quy định pháp luật và thực hiện thực tế trong việc điều hành kinh tế - ngân sách, quản lý các khoản thu NSNN; kiểm soát chi ngân sách gắn với tiết kiệm chi tiêu công theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo cơ chế công khai, minh bạch, tăng cường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai dịch vụ công trực tuyến trong quản lý Nhà nước; xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức bộ máy thống nhất với 3 trụ cột chính: Một là, mô hình tinh gọn theo hướng mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp. Hai là, nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ. Ba là, hướng tới hình thành kho bạc số.
Tống Thúy Hà - Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Yên Bái