An Thịnh có 11 thôn, trên 2.690 hộ, hơn 9.970 khẩu và phần lớn là đồng bào Tày, Dao, Nùng... Kinh tế chủ lực của xã là sản xuất nông lâm nghiệp. Do vậy, để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, với thế mạnh đất đai, nhân lực, xã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; từ đó, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Ông Trương Anh Xuân- Chủ tịch UBND xã cho biết: cùng với tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền thì nông dân xã An Thịnh đã chủ động học hỏi, xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với điều kiện kinh tế, đất đai, lao động của gia đình. Hiện, xã có 4 hợp tác xã và trên 20 tổ hợp tác sản xuất.
Riêng năm 2019, xã xây dựng 16 tổ hợp tác sản xuất với các ngành nghề sản xuất, chế biến nông sản. Trong đó, nhiều tổ hợp tác hoạt động, sản xuất trong một số lĩnh vực có nhiều lợi thế, triển vọng như: trồng quế hữu cơ, chế biến quế và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; các tổ hợp tác sản xuất lúa, ngô, rau màu hàng hóa trên cánh đồng 200 ha, với thu nhập đạt bình quân 100 triệu đồng/ha; các tổ hợp tác chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đang phát huy hiệu quả...”, điển hình như mô hình chăn nuôi gà ở thôn Yên Thịnh của ông Kiềng Kim Cương.
Ông Cương cho biết: "Năm 2018, tôi nâng cấp, mở rộng chuồng trại, bắt tay vào chăn nuôi gà hàng hóa. Mấy lứa đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ nuôi 500 con/lứa. Sau đó, thấy có hiệu quả và tích lũy thêm kinh nghiệm về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, tôi tăng đàn lên 1.000 con/lứa. Nếu thời tiết tốt, không sử dụng điện sưởi ấm nhiều thì mỗi con gà từ lúc nhập về cho đến khi xuất chuồng có lãi khoảng 25.000-30.000 đồng. Tôi dự định tiếp tục mở rộng chuồng trại để nâng đàn lên vài nghìn con mỗi lứa”.
Cùng với nuôi gà, ông Cương còn trồng, chăm sóc hơn 2 ha quế và trồng gần 6 sào rau sạch quanh năm, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài mô hình của ông Cương, xã còn nhiều mô hình nuôi trồng khác cũng đang phát triển hiệu quả, cho thu nhập vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, xã chú trọng chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Trong đó, năm 2019, đã tổ chức được 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm cho trên 240 người tham gia; hướng dẫn trực tiếp trên cánh đồng cho 10 nhóm về kỹ thuật chăm sóc cây trồng vụ đông; tổ chức tiêm phòng trên 2.500 liều vắc-xin, phun tiêu độc khử trùng và ký cam kết phòng chống dịch đối với gần 2.500 hộ và cơ sở chăn nuôi.
Hiệu quả từ các mô hình kinh tế hàng hóa đã góp phần đưa kinh tế của An Thịnh từng bước phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, vùng quế hàng hóa với diện tích đạt gần 1.500 ha, hàng năm khai thác vỏ bình quân trên 250 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm trên 62.000 con... Năm 2019, xã đã có 64 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,5%.
Đây là những kết quả của việc cụ thể hóa Kế hoạch 170 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020; đồng thời, An Thịnh phấn đấu trong năm giảm 90 hộ nghèo.
A Mua