Là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái có trên 587.879 ha đất nông nghiệp. Những năm qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, nhất là thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp đạt kết quả nổi bật; trong đó, năm 2019, lần đầu tiên đạt giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên 7.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 4,75%.
Không chỉ vậy, hàng năm, còn sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao như: trên 315 tấn lương thực/năm; 15.000 tấn chè khô; trên 10.000 tấn vỏ quế khô và 300 tấn tinh dầu quế; 500.000 m3 sản phẩm gỗ rừng trồng; 20.000 tấn tinh bột sắn; 40.000 tấn quả có múi… Giá trị xuất khẩu trực tiếp sản phẩm nông sản năm 2019 đạt trên 15,7 triệu USD.
Đạt được kết quả đó, là do sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực của nông dân, sự đóng góp không nhỏ từ việc đưa CGH vào sản xuất và phát triển mạnh công nghiệp chế biến. Đối với sản xuất lúa gạo và các loại cây trồng ngắn ngày thì việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về CGH khá phổ biến tại các vùng sản xuất tập trung ở các huyện, xã vùng thấp trong khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển. Đối với các huyện và các xã vùng cao, mức độ áp dụng CGH trong sản xuất vẫn hạn chế. Trong sản xuất chè, việc CGH được áp dụng trong các khâu: làm đất 80%, thu hoạch 70%, vận chuyển 100%.
Toàn tỉnh có 53 đơn vị chế biến; trong đó, có 43 đơn vị chế biến chè đen xuất khẩu (12 đơn vị có nhà máy và thiết bị chế biến sản phẩm hoàn thành phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, 31 đơn vị sản xuất theo hình thức sơ chế).
Công nghệ chế biến chè đen được áp dụng là công nghệ Othodox. Sản phẩm chè đen hàng năm đạt 12-13.000 tấn/năm, còn lại 10 cơ sở chế biến chè xanh, chè Ôlong và chè vàng, công nghệ chế biến tương đối hiện đại, sản lượng hàng năm ước đạt 30-35 tấn/năm.
Ngoài ra, hiện có khoảng trên 400 hộ sản xuất chè xanh thủ công với quy mô nhỏ dưới 0,5 tấn/ngày. Trong sản xuất, chế biến tinh bột sắn, hiện tỉnh có trên 10.000 ha, sản lượng 200.000 tấn sắn củ tươi/năm, nhưng việc áp dụng CGH còn thấp, chủ yếu trong khâu vận chuyển.
Trong chế biến, hiện có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn với thiết bị và công nghệ khá hiện đại, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, sản lượng đạt 20.000-23.000 tấn/năm. Trong sản xuất, chế biến sản phẩm lâm nghiệp, mỗi năm khai thác, trồng mới khoảng 15.000-16.000ha. Việc áp dụng CGH trong lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu vận chuyển, khai thác.
Trong chế biến, hiện toàn tỉnh có trên 170 đơn vị chế biến gỗ rừng trồng, sản phẩm chủ yếu gồm: gỗ bóc, gỗ ép thanh, gỗ gia dụng, gỗ xây dựng, đũa xuất khẩu, giấy đế. Về công nghệ chế biến, chủ yếu sử dụng thiết bị, công nghệ của Trung Quốc nên chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao.
Trong chăn nuôi, tỉnh có 12 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô tập trung trên 1.000 con/lứa và khoảng 60 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 10.000 con/lứa.
ại các cơ sở chăn nuôi tập trung, việc đầu tư chuồng trại, áp dụng các tiến bộ mới về CGH và tự động hóa được áp dụng khá phổ biến. Năng suất, chất lượng, kiểm soát dịch bệnh được đảm bảo, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Song, trong chế biến, toàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ gia súc tập trung và cơ sở chế biến…
Có thể nói, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, việc áp dụng CGH trong sản xuất và đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến đã góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh. Việc áp dụng CGH đã giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nông nghiệp, tăng năng suất, hiệu quả cho sản xuất.
Lĩnh vực chế biến đã thu mua hết nông sản cho người sản xuất, tạo đà cho sản xuất phát triển và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, việc áp dụng CGH trong nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh hiện nay mới chỉ được thực hiện tại các vùng sản xuất tập trung ở các huyện, xã vùng thấp và chủ yếu trong các khâu như làm đất, vận chuyển sau thu hoạch, quản lý trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Trong chế biến, chưa chú trọng đầu tư công nghệ chế biến và hiện mới có một số lĩnh vực: chế biến chè, gỗ rừng trồng, sản phẩm quế, tinh bột sắn nhưng công nghệ chế biến phần lớn còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Một số nhóm sản phẩm chưa được đầu tư như sơ chế, chế biến sản phẩm: cây ăn quả, giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; do đó, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu sản phẩm thô, giá trị thấp. Một số đơn vị có thiết bị, công nghệ chế biến hiện đại như chế biến chè Ôlong, gỗ ghép thanh, trà thảo mộc (trà quế, trà sơn tra) nhưng quy mô nhỏ.
Mục tiêu đặt ra là, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và áp dụng CGH đạt tỷ lệ trên 70% cho các vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực tại vùng thấp và trên 50% tại các huyện, các xã vùng cao; đầu tư phát triển các cơ sở chế biến với công nghệ và thiết bị hiện đại phù hợp để sản xuất các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của tỉnh: chè, quế, gỗ rừng trồng; thu hút đầu tư xây dựng mới 3-5 cơ sở chế biến sản phẩm cây ăn quả, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
Cùng đó, là làm tốt quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện cho áp dụng CGH vào nông nghiệp, cung cấp đủ nguyên liệu cho các đơn vị chế biến; có các chính sách cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân vay vốn mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh...
Thanh Phúc