Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch như không bố trí hơn 20 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và một số sở, ngành liên quan.
Sau 3 tháng kể từ thời điểm bùng phát, đến nay dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, lan rộng trên phạm vi toàn cầu, số ca nhiễm, tử vong thay đổi hàng giờ với tốc độ nhanh đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống dịch đạt được một số kết quả quan trọng, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...
Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 đến nay; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ tăng 0,08%, gần như không có tăng trưởng; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm mạnh, chỉ tăng 5,28%.
Khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,28% do hoạt động du lịch, vận tải hành khách, lưu trú, ăn uống từ tháng 3 đến nay hầu như dừng hoạt động; nhiều lao động bị cắt, mất việc làm, có tới 53% doanh nghiệp dự kiến giảm ít nhất 20% lao động, 27% dự kiến cắt giảm trên 40% lao động.
Để hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng.
Tại tỉnh Yên Bái, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng của tỉnh nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các dịch bệnh, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với quan điểm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đề nghị Chính phủ tập trung 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, vì vậy cả hệ thống chính trị cần thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực, biến nguy cơ, thành thời cơ để ngăn chặn đẩy lùi dịch trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, bộ, ngành; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, chú trọng xuất khẩu tại thị trường trong nước, kiểm soát tốt việc đầu cơ tăng giá, chú trọng công tác đối ngoại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và khởi nghiệp, tăng cường công tác truyền thông tạo khí thế mới, quyết tâm mới trong chống dịch để đảm bảo đời sống và sản xuất của nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật đậy nhanh sau dịch.
Hùng Cường