Bảo đảm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm trong trường hợp dịch Covid-19 xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2020 | 7:59:25 AM

YênBái - Để đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm trong trường hợp dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo kịch bản “Tình huống 2”, “Tình huống 3” theo chỉ đạo của tỉnh, ngành Công Thương Yên Bái đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và có kế hoạch chủ động cho các tình huống.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Trung Lân trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Yên Bái.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Trung Lân trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Yên Bái.

Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã phỏng vấn đồng chí Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh về nội dung này.

P.V: Thưa đồng chí, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương có kế hoạch như thế nào để bảo đảm được các yêu cầu, nhiệm vụ trên?

Đồng chí Phạm Trung Lân: Cùng với các biện pháp đã triển khai ở các giai đoạn trước, ngành công thương tập trung vận động và chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối tổ chức điều tiết bán ra hợp lý; thông tin, tuyên truyền đến người tiêu dùng mua hàng đủ dùng. 

Đồng thời, có phương án kết nối ngay với các đơn vị phân phối để điều động hàng đến các vị trí thiếu và liên hệ ngay với ngành công thương các tỉnh để được hỗ trợ. Cùng đó, đề nghị Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. 

Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt thông tin khu vực bị cách ly, số lượng người, nhu cầu cần phục vụ mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao, điều động nhân lực và phương tiện phối hợp với doanh nghiệp để tiếp nhận và cung ứng hàng cho người dân. 

Đề nghị Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, đề xuất tạo điều kiện cho các xe chuyên chở hàng hóa đến các khu vực thiếu hàng, khu vực cách ly để cung ứng phục vụ cho người dân. Cụ thể, đối với mặt hàng lương thực, sản lượng lương thực tại địa phương có thể đáp ứng đủ. Khi cần có thể huy động từ Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái với số gạo dự trữ tại chỗ hiện nay là 100 tấn, Công ty cũng có thể vận chuyển gạo dự trữ từ các đơn vị trong ngành cung cấp thêm hàng ngàn tấn cho Yên Bái. 

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái có thể khai thác thêm từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các địa phương như: Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… Sở Công Thương cũng đã vận động và giao cho một số đơn vị chủ đạo để khai thác, dự trữ nguồn hàng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Tổng cộng, lượng gạo dự trữ và lưu thông thường xuyên tại thời điểm trên toàn địa bàn tỉnh Yên Bái là 648 tấn, ước giá trị 8,215 tỷ đồng. 

P.V: Đối với mặt hàng lương thực là vậy, mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh thì sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Trung Lân: Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống như: nhóm thịt gia súc, gia cầm và thủy sản, hiện nay sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tỉnh có thể đáp ứng đủ với khoảng 3.500 tấn/tháng, ngoài ra còn cung cấp  các loại gia cầm, thủy sản như gà, cá cho thị trường. Khi nhu cầu cục bộ ở một số địa bàn tăng quá cao, có thể điều tiết trong tỉnh và khai thác thêm khoảng 700 tấn, từ các tỉnh, thành không có dịch và giao cho một số siêu thị trên địa bàn cung ứng. 

Ngoài nguồn chăn nuôi nhỏ lẻ trong nhân dân, thì có thể huy động một số đơn vị cung ứng mặt hàng thịt lợn chủ yếu trên địa bàn các huyện, thị, thành phố có thể huy động khi cần thiết như: Công ty TNHH Đầm Mỏ ở xã Minh Bảo; Trung tâm Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Tổng Công ty Hoà Bình Minh ở xã Tuy Lộc; Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái ở xã Âu Lâu... 

Đối với nhóm mặt hàng rau xanh các loại thì sản lượng tại chỗ có thể đáp ứng trên 10.000 tấn/tháng, từ nguồn cung tại các xã Tuy Lộc, Hợp Minh, Văn Tiến, Âu Lâu (TP Yên Bái); các xã, phường thuộc địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, chủ yếu từ canh tác của người dân. Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng. 

Hiện nay, nguồn đã có sẵn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng bình thường của người dân. Các sản phẩm này hoàn toàn nhập từ các cơ sở chế biến, các nhà phân phối lớn trong nước, khi lưu thông hàng hoá không bị ảnh hưởng, khả năng đáp ứng tốt kể cả khi nhu cầu tăng đột biến. 

P.V: Ngoài việc xây dựng kế hoạch cho "Tình huống 2” là trong trường hợp xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh và "Tình huống 3” là trong trường hợp dịch bệnh lan ra trong cộng đồng thì Sở Công thương có chỉ đạo cho tình huống cao hơn về mức độ lây nhiễm của dịch bệnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Trung Lân: Sở đã xây dựng kế hoạch trong trường hợp có trên 1.000 người dân bị nhiễm bệnh. Khi đó, chắc chắn tư tưởng nhân dân rất hoang mang; các biện pháp cấm đi lại cục bộ sẽ được áp dụng; các hoạt động thương mại tại một số địa phương trong tỉnh sẽ dừng hoạt động như: chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... khi đó lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, thiết bị vật tư y tế sẽ khan hiếm cục bộ do dừng hoạt động thương mại, giá các mặt hàng này sẽ tăng đột biến tại các điểm nóng khu vực dịch bệnh... 

Khi đó, Sở sẽ huy động một số doanh nghiệp tổ chức các đợt bán hàng lưu động, cung ứng sản phẩm hàng hóa đến vùng dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng (tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu). 

Cùng với đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt tình hình sản xuất nông sản, chăn nuôi của nhân dân; vận động nhân dân và các cơ sở chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi… duy trì sản xuất, chăn nuôi nhằm cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng tại chỗ và cung cấp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt, tăng cường chỉ đạo bình ổn tình hình thị trường, giá cả hàng hóa.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Duyên (Thực hiện)

Các tin khác
62.000 tỷ đồng – một gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đang không chỉ được người dân mà nhiều hộ kinh doanh cùng các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh mong ngóng, đón đợi

62.000 tỷ đồng – gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang được nhiều doanh nghiệp (DN) chịu tác động từ dịch Covid-19 ngóng đợi.

Tại cuộc điện đàm chiều 17/4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kajiyama Hiroshi đã thống nhất về nguyên tắc rằng ASEAN và Nhật Bản sẽ ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 vào giữa tuần sau.

Ảnh minh họa

Thống đốc yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp.

Kể từ 7/5/2020, đối với mặt hàng rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu, doanh nghiệp (DN) sẽ tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem và báo cáo với cơ quan hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu số lượng thực sử dụng trước khi thông quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục