Để du lịch Yên Bái vượt qua “cú sốc” mang tên Covid-19

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2020 | 11:22:58 AM

YênBái - Không có khách, 6 hộ làm du lịch cộng đồng ở thôn Giàng A, Giàng B và Pang Cáng phải đóng cửa. "Nhà mình vừa đầu tư 500 triệu đồng để làm du lịch giờ cũng để không!” - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng - Vàng A Dao cho biết. Trong quý I, lượng khách du lịch đến Yên Bái ước đạt 55.238 lượt, giảm 56,5% so cùng kỳ.

Do đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp lữ hành đã dừng hoạt động.
Do đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp lữ hành đã dừng hoạt động.

Được ví như "Sa Pa của Yên Bái" với thời tiết mát mẻ, chè cổ thụ trăm tuổi và bản sắc văn hóa của người Mông, Suối Giàng - Văn Chấn một điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nhất là vào thứ Bảy, Chủ nhật nơi đây trung bình đón từ 300 - 400 lượt khách.

"Tuy nhiên, từ khi phát sinh dịch bệnh, lượng khách giảm hẳn, nhất là thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ thực hiện cách ly xã hội, khách đã không còn. Không có khách, 6 hộ làm du lịch cộng đồng ở thôn Giàng A, Giàng B và Pang Cáng phải đóng cửa. "Nhà mình vừa đầu tư 500 triệu đồng để làm du lịch giờ cũng để không!” - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng - Vàng A Dao cho biết.

Dù mới đầu tư thuê thêm địa điểm, đầu tư chỉnh trang lại nơi đón khách, phòng trọ, quầy bar, nơi bán đặc sản địa phương… để đón khách tham quan du lịch, nghỉ dưỡng trên hồ Thác Bà nhưng khi dịch bệnh xuất hiện, như nhiều doanh nghiệp lữ hành, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt ở tổ 13, thị trấn Yên Bình đã phải dừng hoạt động. Giám đốc Công ty Nguyễn Việt Hưng cho biết: "Không hoạt động không có nguồn thu, lao động phải nghỉ việc nhưng mọi chi phí vẫn phải thực hiện như tiền thuê mặt bằng vẫn phải chi trả!”.

Theo báo cáo của ngành văn hóa - thể thao và du lịch, lượng khách du lịch đến Yên Bái trong quý I ước đạt 55.238 lượt, giảm 56,5% so cùng kỳ, đạt 36,2% so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế, nhất là khách Pháp, Anh đạt 7.488 lượt, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 30,7% so với kế hoạch; khách nội địa đạt 47.750 lượt, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng hợp từ các cơ sở lưu trú trên địa bàn Yên Bái, trong 3 tháng đầu năm 2020, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn ước đạt khoảng 20%, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch quý I chỉ ước đạt 33,7 tỷ đồng, giảm 57,2% so với cùng kỳ. 

Giải pháp linh hoạt

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm nay đón và phục vụ 800.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt 481 tỷ đồng, cùng với các giải pháp phòng chống dịch bệnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng kịch bản, tham mưu với tỉnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực du lịch. 

Đó là việc triển khai hoàn thành tốt các nội dung đã được phê duyệt theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 17/2/2020 của UBND tỉnh, trong đó tập trung bổ sung các hoạt động, kéo dài thời gian tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa, du lịch vào thời điểm cuối năm nhằm thu hút nhiều khách du lịch để bù đắp vào số lượng khách du lịch giảm do dịch bệnh Covid-19 gây ra, như: Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; tổ chức Giải leo núi trải nghiệm đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu; trải nghiệm suối khoáng nóng, Lễ hội Cốm Tú Lệ, Lễ cúng cây chè tổ Suối Giàng; tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa, du lịch tại đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; Lễ hội trăng rằm năm 2020 tại thành phố Yên Bái; Chương trình du lịch "Về miền đất Ngọc” tại huyện Lục Yên lần thứ II với những hoạt động phong phú, hấp dẫn thu hút du khách. 

Cùng với đó, để giúp các cơ sở làm du lịch, ngành sẽ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết số 14 ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh, qua: tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ du lịch cộng đồng, kỹ năng cho hướng dẫn viên du lịch, ngoại ngữ giao tiếp cho nhân lực làm du lịch; hỗ trợ đầu tư mua sắm các trang thiết bị thu gom rác thải tại các địa điểm có hoạt động du lịch; đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các hộ dân kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; thành lập các đội văn nghệ truyền thống phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản, địa điểm có hoạt động du lịch cộng đồng… 

Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Yên Bái qua phát triển hệ thống thông tin quản lý du lịch; tạo lập cơ sở dữ liệu ngành du lịch; xây dựng hệ thống chỉ số đo lường hiệu suất du lịch; triển khai các dịch vụ và tiện ích du lịch. Xây dựng các đề án về thương hiệu và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa. 

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng qua hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại các khu vực có tiềm năng như: Không gian văn hóa trà Suối Giàng, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp Quốc tế Vân Hội, điểm du lịch trải nghiệm trên hồ sen Vân Hội, khu vực phim trường Venus xã Minh Quân (huyện Trấn Yên)... 

Đồng thời, xây dựng không gian chợ quê hoạt động vào các ngày cuối tuần phục vụ du khách tại thị trấn Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) và thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải). Tiếp tục hỗ trợ để phát triển sản phẩm du lịch tâm linh; đồng thời, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm; hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã du lịch; phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với phát triển du lịch địa phương như: miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, thịt sấy (thị xã Nghĩa Lộ); quế (huyện Văn Yên); bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, cá sấy Thác Bà (huyện Yên Bình)... 



Hoạt động du lịch trên hồ Thác Bà ngừng trệ. 

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và các hoạt động hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Val-de-Marne (Cộng hòa Pháp) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đặc biệt là việc phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch tham gia Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam 2020 nhằm từng bước khôi phục hoạt động của du lịch Yên Bái. Phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. 

Cùng với những giải pháp của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các địa phương đã có những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp làm du lịch nói riêng như: hỗ trợ vốn ưu đãi để trả lương người lao động; miễn giảm, giãn hoãn thuế cho người cơ sở kinh doanh... 

Bên cạnh những giải pháp của tỉnh, các địa phương, trong giai đoạn khó khăn này, các cơ sở, các doanh nghiệp, địa phương làm du lịch cần triển khai các giải pháp không để cho tất cả hoạt động của mình bị đình trệ. Trong đó, có kế hoạch tạo sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm giữ và nâng cao chất lượng dịch vụ để có thể đón khách ngay sau khi dịch kết thúc. 

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt, ông Nguyễn Việt Hưng đưa ra các giải pháp tình thế: "Thời điểm này không có khách, chúng tôi thực hiện bán các loại sản phẩm đặc sản của địa phương như cá, gạo, măng… qua thương mại điện tử để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu để có thêm những sản phẩm phù hợp để thu hút khách, đặc biệt là lượng khách trong tỉnh!”. 

Với những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, mang tính khả thi của tỉnh, các ngành, địa phương, sự nỗ lực, sáng tạo, vượt khó vươn lên của các cơ sở, doanh nghiệp làm du lịch cũng như sự hưởng ứng của mọi người dân với tinh thần "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, chúng ta có cơ sở tin tưởng du lịch Yên Bái sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19. 

 Đình Tứ

Tags du lịch Yên Bái Covid-19

Các tin khác
Mặc dù ngành đường sắt có những ưu thế vượt trội so với các loại hình vận tải khác như độ an toàn cao, chi phí giá vé thấp… vận chuyển được các loại hàng hóa đặc biệt..

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) khẳng định, sẽ tiếp tục sắp xếp bộ máy lãnh đạo, tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, xóa bỏ tư duy bảo thủ, trì trệ, độc quyền...

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Vạn Khoa Lục Yên sản xuất các sản phẩm đá trắng xuất khẩu.

Quý I/2020, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên đạt trên 596 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 142,85 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,97 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Trung Lân trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Yên Bái.

Để đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm trong trường hợp dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo kịch bản “Tình huống 2”, “Tình huống 3” theo chỉ đạo của tỉnh, ngành Công Thương Yên Bái đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và có kế hoạch chủ động cho các tình huống.

62.000 tỷ đồng – một gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đang không chỉ được người dân mà nhiều hộ kinh doanh cùng các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh mong ngóng, đón đợi

62.000 tỷ đồng – gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang được nhiều doanh nghiệp (DN) chịu tác động từ dịch Covid-19 ngóng đợi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục