Ông Trần Quang Sơn - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, trong đó, có hoạt động của NHCSXH. Trước tình hình đó, chúng tôi nhận thức rõ, phải chung tay với các cấp, ngành trong công cuộc phòng chống dịch bệnh; đồng thời, có những giải pháp thích hợp để mang vốn đến đối tượng chính sách, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng đói nghèo”.
Vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, cán bộ, nhân viên, người lao động NHCSXH đã hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực hưởng ứng các đợt quyên góp, ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh; Công đoàn NHCSXH đã đến 9 trung tâm y tế các huyện thị để ủng hộ số tiền 45 triệu đồng, giúp các cơ sở y tế thêm nguồn lực mua sắm vật tư, trang thiết bị.
Đặc biệt, cán bộ, nhân viên, người lao động đã phát huy tinh thần vượt khó, vươn lên để duy trì hoạt động nhằm kịp thời đưa đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến đối tượng chính sách.
Đánh giá của NHCSXH tỉnh Yên Bái cho thấy, ba tháng đầu năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, chủ động thực hiện tốt các hình thức huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn, nhất là nhu cầu vay vốn để hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Đến 31/3/2020, tổng nguồn vốn đạt 3.112 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 57 tỷ đồng. Mặc dù trong bối cảnh còn có những khó khăn nhất định về nguồn lực, song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã dành một phần ngân sách chuyển cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với số tiền 6,7 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh 5 tỷ đồng, ngân sách các huyện, thị xã 1,7 tỷ đồng).
Với nguồn vốn đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã bám sát Chương trình số 190 và Kế hoạch số 170 về thực hiện giảm nghèo bền vững năm 2020 và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đề án chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tại địa phương để đầu tư tín dụng và đã cho vay mới 4.395 lượt khách hàng với doanh số cho vay 179 tỷ đồng, tập trung vào các chương trình: cho vay hộ nghèo 46 tỷ đồng, hộ cận nghèo 34 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 28 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 21 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 38 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 10 tỷ đồng...
Tổng dư nợ đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng so với đầu năm với trên 83.000 hộ nghèo, các đối tượng chính sách được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi. Chất lượng tín dụng tiếp tục được ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,14% tổng dư nợ.
Ngoài việc thực hiện giải ngân cho vay kịp thời đối với người nghèo và các đối tượng chính sách với doanh số cho vay 179 tỷ đồng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid -19 theo Văn bản số 1349 của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, với các hình thức cụ thể như: gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung; xử lý rủi ro theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 27/01/2011 của Hội đồng Quản trị NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái; điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho khách hàng đang điều trị hoặc cách ly y tế do dịch Covid - 19.
Kết quả, đến hết ngày 20/4/2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 740 khách hàng với số tiền trên 16,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi nhánh đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai cho vay đối với người sử dụng lao động để chi trả tiền lương ngừng việc theo Nghị quyết số 42/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Cùng đi với các cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình về các xã phía Đông hồ Thác Bà, chúng tôi cảm nhận rất rõ vai trò của đồng vốn chính sách. Rất nhiều hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân ở các xã: Đại Minh, Hán Đà, Vũ Linh, Mỹ Gia... nhờ vốn ưu đãi đã vươn lên trong cuộc sống. Những vườn bưởi tốt tươi vừa kết thúc niên vụ được mùa, được giá; những cánh rừng gặp mưa xuân đang vươn lên trải màu xanh tươi...
Theo bà con vùng Đông Hồ, thời điểm này, bưởi mới đậu quả, quế, keo, bạch đàn và cả lứa lợn mới tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi... rất đang cần vốn để đầu tư, chăm sóc. Ông Đinh Trọng Hoài - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình cho biết: "Nhu cầu về vốn trong dân còn rất cao, hiệu quả của đồng vốn chính sách rất rõ nét, chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và đoàn thể để đưa nhanh vốn đến đúng đối tượng, giúp họ sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả”.
Những thông tin về Việt Nam kiểm soát, khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19 khiến người dân nức lòng, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây là thời điểm chúng ta bung sức thực hiện mục tiêu kép "phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế”. Là ngân hàng của Chính phủ thực hiện chính sách tín dụng, hệ thống NHCSXH trên địa bàn đã và đang khắc phục khó khăn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, góp sức vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Lê Phiên