Hiện nay, trên địa bàn thành phố Yên Bái có tổng số 1.771 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 2.375 lao động. Trong đó, có 44 cơ sở sản xuất, kinh doanh giò chả; 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, bánh phở; 75 cơ sở sản xuất, kinh doanh đậu phụ.
Covid-19 đã tạo ra một bối cảnh chưa từng có trong lịch sử về sự nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng con người cùng những tác động trực tiếp tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện giãn cách xã hội để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng đã kéo theo hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tại địa bàn thành phố Yên Bái, trong thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm với các mặt hàng như giò chả, bún, đậu cũng ở tình trạng cầm cự, chống đỡ.
Sụt giảm mạnh
15 ngày đầu của tháng Tư, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò chả, bún, đậu chứng kiến sự sụt giảm sản lượng chưa từng có. Người dân chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và chỉ đạo của tỉnh, của thành phố, của địa phương để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên lượng người ra vào các chợ dân sinh giảm đi rất lớn.
Giãn cách xã hội, các quán ăn, nhà hàng đồng loạt tạm ngừng hoạt động và các tiệc cưới, đám hỏi, hội họp, gặp gỡ, giao lưu… không có cơ hội diễn ra. Tình trạng "cửa đóng, then cài” của các nhà hàng, quán ăn, trường học... cũng khiến lượng hàng tiêu thụ mỗi ngày theo đó "mất hút”.
Chị Đỗ Thị Tám bán đậu phụ đã hơn chục năm nay ở chợ ngã tư Nam Cường, phường Nguyễn Thái Học: "Duy nhất mối cung cấp cho một trường tiểu học mỗi tuần 200 bìa đậu, còn lại tôi bán lẻ tại chợ này. Thời gian nửa tháng thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày tôi làm 30 kg đỗ tương, chưa bằng một nửa trước khi có dịch”.
Do các quán ăn, nhà hàng ngừng hoạt động nên sản lượng bún, bánh phở sản xuất, tiêu thụ hàng ngày của hộ chị Nguyễn Thị An, tổ 9, phường Minh Tân giảm khoảng ba phần. Cơ sở duy trì hoạt động sản xuất nhờ bán lẻ phục vụ khách hàng ăn sáng tại nhà, một số quầy hàng ở chợ dân sinh bởi không còn các mối giao buôn số lượng lớn như trước đây.
Không còn cảnh tấp nập người vào người ra, không còn thấy các nhân viên luôn tay bận rộn, không còn nghe tiếng máy vang vang liên tục, Cơ sở sản xuất và chế biến giò chả, nem chua Dung Độ ở tổ 13, phường Yên Ninh trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết. Đây chính là cơ sở sản xuất, chế biến giò chả, nem chua đầu tiên của tỉnh Yên Bái được vinh dự đón nhận danh hiệu "Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng” năm 2016.
Ông Trần Văn Độ - chồng bà Vũ Thị Dung - chủ cơ sở cho hay: "Cảnh tượng này đã diễn ra cả tháng nay rồi. Nhân viên của cơ sở đã nghỉ hết vì không có việc”. Trước đây, nhà ông mỗi ngày nhập khoảng 150 kg thịt lợn để làm hàng, nay chỉ còn 10 - 15 kg mà là để bán cho hai ngày. Riêng ngày mùng Một hàng tháng, 300 kg thịt lợn nhập về làm hàng là chuyện thường thì ngày mùng Một gần nhất vừa qua, ông gắng lắm cũng mới nhập 30 kg thịt lợn.
Khó chồng khó
Bối cảnh chung khiến hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò chả, bún, đậu đều có khó khăn tương tự. Tuy nhiên, các mặt hàng cũng lại chịu sự tác động khác nhau tùy yếu tố cụ thể. Ví dụ đối với sản xuất giò chả, tại thời điểm này, giá thịt lợn tăng cao là một thách thức không hề nhỏ.
"Bão” Covid-19 đã đến sớm với Cơ sở chế biến thực phẩm Minh Lan, thôn Đắng Con, xã Âu Lâu ngay từ tháng Ba. Cộng sổ của tháng Ba năm nay, tiền nhập thịt lợn làm giò chả chỉ gần 40 triệu đồng so với 200 triệu đồng cũng tháng này năm ngoái, chị Nghiêm Thị Mến - chủ cơ sở giãi bày: "Thực tế tôi đã trải nghiệm từ "bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi hồi năm trước do hiếm nguồn cung, giá tăng cao, người tiêu dùng đã giảm đi rất nhiều. Năm nay lại gặp phải "bão” dịch Covid-19 thì chưa biết khi nào mới vực dậy nổi được như trước”.
Chung nỗi niềm ấy là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Mít ở tổ 3, phường Nam Cường đã nhiều năm nay làm giò chả: "Giá lợn hơi chẳng hề giảm như chỉ đạo của Chính phủ mà cứ mỗi ngày lại có phần nhích cao hơn. Như đợt giữa tháng Tư, mua thịt lợn làm hàng, tôi đã phải trả đến mức giá 135.000 - 140.000 đồng/kg. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, lẽ thường phải tăng giá bán nhưng lúc này người mua đã giảm hơn nửa, giá bán lại cao thì tiêu thụ thế nào…”.
Mặt hàng đậu phụ, giá đỗ tương cũng đà tăng. Chị Đỗ Thị Tám - tiểu thương chợ ngã tư Nam Cường cho biết, từ nhiều năm qua, nguồn đỗ tương chị mua làm đậu được nhập về từ Mỹ. Ngay cả nguồn hàng từ Mỹ, đã mua là chị chọn mua loại tốt nhất thì chất lượng đậu mới chuẩn, nói theo cách của những người làm hàng là "đỗ có ngon thì mới được đậu”.
Trước dịch, đỗ tương loại tốt nhất báo giá 12 - 13 triệu đồng một tấn thì nay sòng phẳng tay giao tiền, tay nhận hàng đã lên 15 - 16 triệu đồng. Mỗi lần nhập bây giờ chị phải nhập hàng tấn luôn. Một bìa đậu nhỏ chị bán 2.000 đồng, một loại nữa nhỉnh hơn là 3.000 đồng.
Tưởng đơn giản có thể tăng thêm đôi ba trăm đồng cho mỗi bìa đậu thì vẫn là chuyện khó mà thực hiện: "Khách giảm một cách chưa từng có, bán hết hàng đã may mắn lắm rồi. Vậy nên chuyện tăng giá bán quả thật không hề phù hợp trong lúc này. Phải cố gắng thôi chứ biết làm sao!” - chị Tám khẳng định.
Chút ngoại lệ
Cửa hàng Hồng Hường bán đậu mơ ở số 235 đường Kim Đồng, phường Minh Tân ngày ngày vẫn làm đều 20 kg đỗ tương. Theo chị Bùi Thị Thu Hường - chủ cửa hàng, vô cùng may mắn là kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội cho đến hiện tại, hoạt động sản xuất của gia đình không có sự biến động đáng kể.
Điều này được chị lý giải: "Khách quen của cửa hàng ổn định nhiều năm nay. Thời điểm này, chất lượng, giá cả sản phẩm tôi vẫn duy trì bình thường như khi chưa có dịch. Cửa hàng lại nằm ngay mặt đường, mọi người thuận tiện mua bán. Thực hiện giãn cách xã hội trong suốt nửa đầu tháng Tư và nghiêm túc chấp hành quy định của địa phương, các chợ dân sinh trên khắp địa bàn thành phố tăng cường kiểm soát cộng với mọi người nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa đi đến những nơi đông người nên vị trí, địa điểm bán hàng của nhà tôi thật sự là một lợi thế hết sức lớn”.
May mắn nữa là đã nhập được hơn một tấn đỗ tương trước khi có dịch nên trong suốt cả tháng Tư, dù giá đỗ có tăng lên không ít thì chị vẫn yên tâm, không có gì phải lo lắng.
Ngoài yếu tố lợi thế về địa điểm, hàng bán đậu phụ của hộ bà Nguyễn Thị Thu Hương ở thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc lại có thêm sự cạnh tranh về giá, đặc biệt là chất lượng sản phẩm. Nhà nằm ngay bên trục đường Yên Bái - Khe Sang, khách ghé vào cổng nhà tầm đôi ba phút đã mua bán xong nên rất tiện lợi. Trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội như nửa đầu tháng Tư vừa qua thì đó được coi là một lợi thế lớn.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng vẫn phải là chất lượng và giá cả. Với 5.000 đồng, khách hàng đã mua được một bìa đậu nặng khoảng 4 lạng rất mềm, rất ngậy của nhà bà. Vì thế, suốt thời gian vừa qua, dịch Covid-19 dường như không tồn tại đối với chuyện làm hàng, bán hàng của nhà bà Hương. Chỉ bán lẻ cho khách qua đường, không nhận giao buôn nên mỗi ngày đều đặn bà làm 10 kg đỗ tương, ngày nào hết ngày đó, chưa bao giờ tồn hàng.
Một yếu tố nữa là thu nhập của một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng do không có việc làm nên họ phải cân đối, tính toán chi phí bữa ăn hợp lý. Bởi thế, đậu phụ là món ăn không tồi được lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày tại thời điểm này đối với nhiều gia đình.
Dần hồi phục
Xếp trong số các tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ thấp, từ ngày 17/4/2020, Yên Bái tiếp tục đóng cửa các quán ăn, nhà hàng trừ việc bán thực phẩm mang đi, bán hàng online nên đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục dù nhỏ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hàng đậu phụ của chị Đỗ Thị Tám ở chợ ngã tư Nam Cường nhờ vậy cũng đã tăng được thêm một lượng hàng tiêu thụ so với nửa đầu tháng Tư. Ngoài ra, người dân đi chợ nhiều hơn một chút nên chị cũng bán được nhiều hàng hơn một chút.
Một số quán ăn, nhà hàng hoạt động trở lại kể từ sau ngày 25/4 cũng giúp chị Nguyễn Thị Sen - tiểu thương bán bún, bánh phở ở chợ ngã tư Nam Cường thêm mừng: "Trong 15 ngày đầu tháng Tư, tôi làm 30 kg gạo mỗi ngày, bằng một nửa so với trước dịch. Thấy nhiều hàng quán đóng cửa, tự thấy mình đã may mắn hơn. Trong nửa tháng về sau, lượng hàng tôi làm và bán ra mỗi ngày đã tăng chút đỉnh. Tôi thấy phấn khởi hơn nhưng thật lòng cũng mong mình vừa bán được hàng nhưng cũng phải phòng chống được dịch bệnh. Cứ nghĩ nếu để dịch bệnh xâm nhập thì hậu quả còn nặng nề hơn nhiều so với những gì mà chúng tôi vừa trải qua”.
Còn với cơ sở sản xuất giò chả của ông Trần Văn Độ dù chưa có chuyển biến nhiều nhưng ông xác định quyết tâm giữ vững chất lượng, uy tín, thương hiệu sản phẩm của gia đình đã gây dựng hai chục năm nay.
Không riêng ai mà hầu hết mọi người đều chung tinh thần cùng cộng đồng chống dịch. Ảnh hưởng không hề nhỏ, trực tiếp là tiêu thụ giảm, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm nhưng còn cầm cự hoạt động được trong thời gian này đã là may mắn vì rất nhiều các quán hàng phải đóng cửa hoàn toàn, thu nhập cũng hoàn toàn không có. Cố gắng của mỗi người chính là chia sẻ khó khăn với nhau, với địa phương, với cả nước giữa cao điểm "nước sôi lửa bỏng”.
Trải qua "bão” dịch, họ thêm nhận thức về sự chấp hành nghiêm túc qui định pháp luật sẽ giúp đẩy lùi dịch bệnh với ý thức tự giác của mỗi người. Trải qua "bão” dịch, họ thêm quý trọng những khách hàng đã gắn bó với mình nhiều năm nay. Trải qua "bão” dịch, họ thêm trân trọng và không ngừng giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm của mình. Trải qua "bão” dịch, họ thêm thấu hiểu lợi ích của bản thân không bao giờ tách rời lợi ích chung của cả cộng đồng.
Nguyễn Thơm