Chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của bà Vũ Thị Hà, thôn Phù Lâm, xã Lâm Giang. Nhìn gia trại chăn nuôi gà, lợn, trồng dâu nuôi tằm được xây dựng quy mô, ít ai ngờ rằng, nhiều năm trước gia đình bà thuộc diện khó khăn.
Thế rồi, được sự vận động, tuyên truyền, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của các hội, đoàn thể, chính quyền xã, bà Hà mạnh dạn xây dựng chuồng trại nuôi gà, lợn thịt theo hướng hàng hóa.
Bà Hà cho biết: "Ngoài nuôi gà, lợn thì từ năm 2019, sau khi được cán bộ phụ nữ xã vận động, cho đi tập huấn về kỹ thuật nuôi tằm, tôi đã làm thêm việc trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, với 3 nong tằm mỗi tháng tôi xuất 3 lứa tằm, mỗi lứa cho thu 30 kg kén, nhộng, bán được 3,6 triệu đồng”.
Theo bà Hà, trồng dâu nuôi tằm không vất vả, đầu ra ổn định, thương lái đến tận nhà thu mua. Hiện, bà đang hướng dẫn kỹ thuật cho một vài chị em trong thôn để chuyển đổi sang mô hình này.
Ngoài gia đình bà Hà, những năm qua, từ Phong trào thi đua DVK, xã Lâm Giang xây dựng được 8 mô hình trang trại lợn, 2 mô hình chăn nuôi trâu và 84 ha cây ăn quả; xây dựng 5 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động.
Cùng đó, xã thành lập được 17 tổ hợp tác; trong đó, có 9 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh, 4 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, 2 tổ hợp tác nuôi ong lấy mật, 1 tổ hợp tác thu mua nông sản và tổ hợp tác trồng khoai lang…
Bà Đặng Thị Mai Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Giang cho biết: Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn, chuyển đổi sản xuất các cây, con giống có năng suất chất lượng cao như: cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm, trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi lợn, gà theo quy mô trang trại, gia trại.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng năm 2015 lên 33 triệu đồng năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33% năm 2015 còn 7,1% năm 2019.
Cũng như Lâm Giang, việc triển khai xây dựng các mô hình DVK, nhất là các mô hình phát triển kinh tế ở xã An Bình đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế cho hàng chục hộ và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Ông Lưu Hồng Minh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: trong 10 năm thực hiện Phong trào thi đua DVK, toàn xã xây dựng được 14 mô hình phát triển kinh tế; từ đó, nhân rộng và giúp nhiều hộ thoát nghèo, tiêu biểu như anh Trần Văn Hưởng, thôn Khe Trang.
Xuất phát điểm với nhiều khó khăn, nhưng được sự vận động, giúp đỡ của Đoàn thanh niên xã và nỗ lực của bản thân; giờ đây, 40 ha rừng đã được phủ xanh bằng cây quế, bồ đề, tre măng Bát độ… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Qua 10 năm thực hiện Phong trào thi đua DVK, huyện Văn Yên có trên 870 mô hình DVK trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Riêng về phát triển kinh tế, có hơn 300 mô hình áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Những mô hình DVK này, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống mà còn góp phần để huyện thực hiện tốt các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra và kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Ông Phương Quốc Khải - Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: "Phong trào thi đua DVK đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong XDNTM. Từ năm 2009 đến nay, nhân dân trong huyện đóng góp trên 20 tỷ đồng để kiên cố các tuyến đường giao thông. Qua đó, góp phần hoàn thành các tiêu chí XDNTM, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 11 xã”.
Thời gian tới, để các mô hình DVK phát huy hiệu quả và nhân rộng, Văn Yên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, huy động nội lực trong nhân dân; tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con duy trì, chăm sóc, ổn định diện tích cây trồng, mô hình chăn nuôi hiện có; khuyến khích phát triển, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các địa phương theo dõi việc xây dựng các mô hình, để đánh giá định kỳ.
Hà Tuấn