Điều 12, Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh quy định rõ các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện, xã và nguồn huy động hợp pháp khác, các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề cho hoạt động du lịch sẽ được hỗ trợ từ 67 - 75 triệu đồng/khóa; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch không quá 200 triệu đồng/thôn, bản hoặc địa điểm du lịch; hỗ trợ mua trang thiết bị thu gom rác thải không quá 60 triệu đồng/thôn, bản hoặc địa điểm có hoạt động du lịch; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các hộ dân kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không quá 20 triệu đồng/ngôi nhà đón và phục vụ khách; hỗ trợ từ 40 - 60 triệu đồng để thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản có hoạt động du lịch…
Để các chính sách này được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTT&DL) Yên Bái đã ban hành các văn bản hướng dẫn, công văn đề nghị phối hợp, đề xuất nhu cầu hưởng hỗ trợ và tiến hành khảo sát, hướng dẫn và đôn đốc các huyện, thị xã thực hiện nội dung theo yêu cầu. Trên cơ sở đó và căn cứ đề nghị của các huyện, thị xã Sở VHTT&DL lựa chọn, trình duyệt các hồ sơ đủ điều kiện nhận hỗ trợ chính sách.
Trạm Tấu là địa phương vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh. Trước kia, đồng bào dân tộc nơi đây cái ăn còn phải lo từng ngày chứ nói gì đến phát triển du lịch. Tuy nhiên, gần đây, nhận được hỗ trợ từ các chính sách phát triển du lịch của tỉnh, du lịch Trạm Tấu đã có bước phát triển vượt bậc.
Đồng chí Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện chia sẻ: "Năm 2019, khi được tỉnh giao các chỉ tiêu du lịch, là đơn vị trực tiếp tham mưu giúp UBND huyện về quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch, chúng tôi rất lo lắng không biết làm sao để hoàn thành. May mắn, với sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển du lịch của tỉnh, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, lượng du khách đã đạt 26.500 lượt và doanh thu đạt trên 15,9 tỷ đồng năm 2019. Đồng thời, Trạm Tấu đã và đang thực sự trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách”.
Đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Hà ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu - một trong các hộ của huyện được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị cho homestay.
Chị Hà phấn khởi: "Khi chưa nhận được hỗ trợ, mọi vật dụng trong homestay vẫn là những thứ như chăn ga, gối, rèm mành cũ tận dụng lại nên không được quy củ, bài bản và sạch đẹp. Nhận hỗ trợ của Nhà nước và thêm một số tiền nhỏ của gia đình, chúng tôi đã mua sắm các trang thiết bị mới nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Đoàn khách nào đến nghỉ lại cũng trầm trồ khen độc đáo, khang trang, sạch đẹp. Từ đấy, đoàn này giới thiệu đoàn kia và du khách biết đến chúng tôi ngày một nhiều”.
Cũng như huyện Trạm Tấu và các địa phương khác trong tỉnh, huyện Văn Chấn đã nhanh chóng rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ xin hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 14 HĐND tỉnh. Nhiều lớp tập huấn kỹ năng nghề du lịch được mở ra, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, nhiều đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động trên địa bàn huyện.
Tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng nghề du lịch, anh Sa Văn Hướng, chủ Homestay Hướng Kim ở bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Các lớp tập huấn rất bổ ích, cung cấp thêm rất nhiều thông tin về cách làm du lịch để chúng tôi có thể khai thác, gìn giữ và phát bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, đổi mới, hội nhập phù hợp với nhu cầu của các phân khúc khách du lịch”.
Cho đến nay, du lịch Văn Chấn đã thu được nhiều kết quả tích cực; qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế bền vững. Năm 2019, du lịch Văn Chấn thu hút trên 70.000 lượt khách với doanh thu đạt trên 43 tỷ đồng.
Những chính sách thiết thực mà Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh đưa ra đã góp phần thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, danh lam, thắng cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc Yên Bái để tạo đà cho du lịch phát triển.
Tính riêng năm 2019, lần đầu tiên tỉnh ta đón trên 700.000 lượt khách du lịch; trong đó, có 150.000 lượt khách quốc tế với doanh thu từ các hoạt động du lịch lên tới trên 420 tỷ đồng, các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Kỳ vọng, thời gian tới, du lịch Yên Bái tiếp tục gặt hái nhiều thành công, bứt phá hơn nữa và du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Lê Thương