Yên Bái điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: Ứng phó linh hoạt với dịch COVID-19

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2020 | 8:18:17 AM

YênBái - Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 7,3% và các chỉ tiêu theo Chương trình hành động 190-Ctr/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, kịch bản phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 ứng phó với dịch COVID-19 được điều chỉnh theo hướng: giảm chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Sản phẩm sứ cách điện của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.
(Ảnh: Văn Tuấn)
Sản phẩm sứ cách điện của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn. (Ảnh: Văn Tuấn)

Trên cơ sở dự báo diễn biến dịch bệnh, dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh và điều kiện thực tế của tỉnh, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Yên Bái đã kịp thời điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) năm 2020.

Với phương châm "thần tốc, đồng bộ, toàn dân, toàn diện; không để ai đứng ngoài, không để ai phía sau”, thực hiện nhiệm vụ kép vừa chủ động thực hiện quyết liệt, kịp thời các giải pháp phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội vừa phải tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát triển KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước, quan điểm của tỉnh là không thay đổi mục tiêu tổng thể mà chủ động điều chỉnh linh hoạt về giải pháp. 

Linh hoạt, sát thực tế

Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp khi vừa phải chủ động thực hiện quyết liệt, kịp thời các giải pháp chống dịch bệnh vừa phải triển khai đồng thời các nhiệm vụ phát triển KT - XH và dự toán ngân sách Nhà nước. 

Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều thách thức ấy, đã xuất hiện, gợi mở những yếu tố tích cực làm thay đổi tư duy, nhận thức, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với việc thích ứng nhanh, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, kịp thời trong thực hiện nhiệm vụ. 

Các cấp, ngành quyết liệt hơn, năng động, linh hoạt hơn trong giải quyết nhiệm vụ được giao, nhất là việc đề ra các giải pháp phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh vừa phải kịp thời ứng phó với dịch bệnh. Công tác thu, chi ngân sách được kiểm soát, thắt chặt, có trọng tâm, trọng điểm, cắt giảm những khoản chi không cần thiết để tăng chi cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. 

Công tác giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh, cải thiện hơn theo hướng tinh gọn, giảm thời gian, chi phí, tạo môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động, tích cực hơn trong việc thay đổi phương thức quản lý, điều hành, sử dụng lao động; nhanh nhạy tìm kiếm thị trường, đối tác mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Những tháng đầu năm 2020, phòng chống dịch COVID-19 trở thành nhiệm vụ trọng tâm cấp bách hàng đầu của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể, nhưng hầu hết các chỉ tiêu phát triển KT - XH của tỉnh cơ bản đều tăng so với kịch bản đã phê duyệt. 

Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, các ngành dịch vụ vận tải, du lịch sụt giảm, dẫn đến một số chỉ tiêu đạt thấp. 

Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 13 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 906 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm 14,5 triệu USD. 

Rõ nhất, đó là số lượng khách du lịch giảm mạnh; doanh thu dịch vụ giảm 55,6 tỷ đồng; doanh thu vận chuyển hành khách giảm 23,61%, luân chuyển giảm 24,23% so với cùng kỳ năm 2019. 

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 7,3% và các chỉ tiêu theo Chương trình hành động 190-Ctr/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, kịch bản phát triển KT - XH năm 2020 ứng phó với dịch COVID-19 được điều chỉnh theo hướng: giảm chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. 

Theo đó, điều chỉnh lại cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn, lấy giá trị sản xuất tăng thêm của ngành nông nghiệp, ngành xây dựng để bù đắp cho phần thiếu hụt của ngành công nghiệp, ngành dịch vụ. 

Cụ thể, điều chỉnh tốc độ tăng tổng sản phẩm của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản từ 4,7% lên 6%; điều chỉnh giảm tốc độ tăng tổng sản phẩm ngành công nghiệp từ 11,3% xuống còn 11,1%; trong đó, điều chỉnh giảm công nghiệp từ 13,3% xuống còn 12,3%; điều chỉnh tăng xây dựng từ 8,14% lên 9,2%; điều chỉnh giảm ngành dịch vụ từ 6,2% xuống còn 5,7%. 

Kịch bản phát triển KT - XH của tỉnh trong quý I thực hiện điều chỉnh tăng đối với 5 chỉ tiêu, điều chỉnh giảm đối với 7 chỉ tiêu, giữ nguyên 2 chỉ tiêu là sản lượng chè búp tươi và chỉ tiêu tổng số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 234 trường. 

Với những dự báo được đưa ra sát thực tế, quý II/2020, tỉnh dự kiến điều chỉnh tăng 5 chỉ tiêu đó là, tổng sản lượng lương thực có hạt 179.050 tấn, tăng 4.000 tấn so với kịch bản đã được phê duyệt; tổng đàn gia súc chính 577.550 con, tăng 8.200 con; sản lượng thịt hơi xuất chồng các loại 27.000 tấn, tăng 1.350 tấn, trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính 23.300 tấn, tăng 1.193 tấn.

Tổng vốn đầu tư phát triển 6.500 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới 140, tăng 10 doanh nghiệp; số hợp tác xã thành lập mới 30, tăng 3 hợp tác xã.

Điều chỉnh giảm 8 chỉ tiêu và giữ nguyên 5 chỉ tiêu. 

Quý III, kịch bản xây dựng trên cơ sở dự báo là thời điểm tốt nhất để nền kinh tế của tỉnh bắt đầu phục hồi. Dự kiến điều chỉnh tăng 4 chỉ tiêu, điều chỉnh giảm 7 chỉ tiêu và giữ nguyên 5 chỉ tiêu. 

Kịch bản quý IV được xây dựng trên cơ sở dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi và phát triển, dự kiến điều chỉnh tăng 6 chỉ tiêu chủ yếu so với kịch bản đã phê duyệt là: tổng sản lượng lương thực có hạt; số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 12 xã; thu ngân sách; tổng đàn gia súc chính; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại; tổng vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, giữ nguyên 27 chỉ tiêu và điều chỉnh giảm 2 chỉ tiêu do điều chỉnh địa giới hành chính.

Với việc điều chỉnh tăng, giảm giữa nội ngành và giữa các ngành vẫn sẽ đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp giảm khoảng 13 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm khoảng 640 tỷ đồng, tổng giá trị giảm khoảng 653 tỷ đồng. 

Phần thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và xây dựng. Như vậy, mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng GRDP 7,3% của Yên Bái năm 2020 là có tính khả thi. 

Quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp

Quán triệt phương châm chỉ đạo điều hành của tỉnh đó là, ưu tiên triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp của trung ương, của tỉnh đề ra trong phòng chống dịch Covid - 19 và trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH.  

Ngoài các nhóm nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Chương trình hành động 190-Ctr/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết 34/NQ-HĐND ngày 29/11/2019 HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020; Quyết định 139/QĐ-UBND tỉnh ngày 20/1/2020 của UBND tỉnh phê duyệt kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh Yên Bái năm 2020, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhóm giải pháp chung. 

Trong đó, chủ động thực hiện quyết liệt, kịp thời các giải pháp theo kế hoạch đề ra, sẵn sàng mọi điều kiện, ứng phó hiệu quả với tình huống dịch xâm nhập, lây lan trên địa bàn theo Kế hoạch số 81 của UBND tỉnh. 

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập. Điều chỉnh giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH, tập trung ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng như nông lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng để bù đắp cho các lĩnh vực bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh; mở rộng quy mô, phát huy tối đa công suất các ngành hàng, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch như thủy điện, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng. 

Triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh sau khi được HĐND tỉnh thông qua.

Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư. 

Triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 ứng phó với dịch COVID-19 theo hướng: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu; cắt giảm những khoản chi phí không cần thiết, tăng tỷ lệ tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo cân đối thu, chi, dành nguồn kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ chi tăng thêm phòng chống dịch, hỗ trợ an sinh xã hội và các nhiệm vụ khác. 

Cùng đó, triển khai thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp đối với ngành sản xuất dịch vụ; nhóm giải pháp về đầu tư phát triển; thu, chi ngân sách; nhóm giải pháp về an sinh xã hội. 

Trên cơ sở chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, chọn lựa các nhiệm vụ trọng yếu cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các quy định, tạo mọi điều kiện ổn định tâm lý, phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả; duy trì sản xuất và tiêu dùng. Khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng ngay sau dịch bệnh được kiểm soát. 

Tỉnh chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức cố ý gây khó khăn, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, thay thế những cán bộ công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, hoặc suy thoái về tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu khi thực thi công vụ… Mục tiêu đảm bảo thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020 đã đề ra. 

Minh Thúy

Tags Yên Bái kịch bản GRDP thứ tự ưu tiên chi phí không cần thiết dư địa tăng trưởng COVID-19

Các tin khác
Huyện Văn Yên đã tổ chức cuộc gặp mặt doanh nghiệp đầu xuân thường niên.

Những năm qua, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Văn Yên luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là kinh tế tư nhân

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải khách như xe buýt, taxi, tàu hỏa...

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cùng ngành ngân hàng quyết liệt triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua thực hiện miễn giảm lãi, phí, hạ lãi suất, cho vay mới…

Ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19

Bộ Tài chính vừa ban hành một loạt chính sách giảm phí, lệ phí từ 20 – 50% đối với một số lĩnh vực như: xây dựng, du lịch, tài nguyên nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục