Để xốc lại ngành chăn nuôi, một gói chính sách 25 tỷ đồng được HĐND tỉnh khóa XVIII thông qua tại Kỳ họp thứ 16, ngày 14/4/2020. Đây là cú huých để phục hồi ngành chăn nuôi, bù đắp sự thiếu hụt do dịch bệnh gây ra.
BDTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến số lợn buộc phải tiêu hủy là 28.098 con, trọng lượng trên 1.265 tấn. Trong đó, các huyện thiệt hại nặng nề: Văn Yên có 11.177 con, trọng lượng 471 tấn; Trấn Yên 7.260 con, trọng lượng trên 302 tấn; Lục Yên 2.995 con, trọng lượng trên 170 tấn… Tổng kinh phí chi cho phòng chống dịch 47,316 tỷ đồng.
Tính đến 15/1/2020, tất cả các ổ dịch ở tỉnh Yên Bái đều qua 30 ngày không phát dịch. Tổng đàn lợn hiện nay của tỉnh là 442.000 con; trong đó, có 48.000 con nái, 1.300 con đực giống.
Để phục hồi ngành chăn nuôi, bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trước đây thì Nghị quyết số 13/NQ-HĐND, ngày 14/4/2020 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid -19 lần này tiếp tục bổ sung, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng cũng như phục hồi chăn nuôi sau dịch bệnh, thậm chí ngay cả những doanh nghiệp sản xuất lợn giống cũng là đối tượng thụ hưởng khi cam kết cung ứng giống cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Với chăn nuôi lợn, mức hỗ trợ một lần từ 12 đến 18 triệu đồng tùy từng quy mô; đối với chăn nuôi gia cầm là 5 đến 10 triệu đồng.
Chính sách này còn bổ sung cho những hộ đã được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 15/2015, ngày 15/12/2015 về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 hiện nay đang tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, có nhu cầu tái đầu tư, khôi phục lại sản xuất chăn nuôi lợn.
Mức hỗ trợ cụ thể: chăn nuôi lợn kết hợp, có quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên; chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 100 con/lứa trở lên; chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 15 con trở lên sẽ được hỗ trợ một lần với mức 15 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, hỗ trợ 100% lãi suất tín dụng ưu đãi trong thời hạn 6 tháng đối với các khoản vay từ ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất để cung ứng con giống lợn thương phẩm an toàn phục vụ sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Mức hỗ trợ là 55.000 đồng/con giống thương phẩm.
Thời điểm được hưởng chính sách hỗ trợ kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020. Chính sách trên hiện rất phù hợp với người chăn nuôi, nhất là khi giá lợn giống, giá thức ăn chăn nuôi hiện đang ở mức cao.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh, nhưng sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh vẫn được duy trì và có bước phát triển. Việc HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình chăn nuôi rất phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của người dân. Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ khuyến khích được các hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư tăng quy mô chăn nuôi, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng đàn, tăng giá trị và sản lượng thịt trong thời gian tới.
Do tác động của BDTLCP trong năm 2019; đồng thời, tâm lý lo sợ dịch bệnh tái bùng phát khiến thiếu hụt khoảng 22% tổng đàn lợn; mặt khác, giá lợn giống hiện đang ở mức cao từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, nguồn cung con giống từ ngoài vào cũng thiếu hụt khá lớn. Do đó, sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách sẽ kích cầu cho ngành chăn nuôi phục hồi và phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ, thành phố Yên Bái chia sẻ: Cơ sở của chúng tôi hiện đang nuôi 400 lợn nái và từ đầu năm 2020 đến nay đã xuất chuồng 1.000 con lợn con, chủ yếu xuất theo đơn đặt hàng của các cơ sở chăn nuôi lớn. Giá lợn giống từ đầu năm đến nay tăng chóng mặt từ 1 triệu đồng/con đến 2,5 triệu đồng/con và hiện nay đang bán 3 triệu đồng/con.
"Giá vẫn giữ ở mức này thì người chăn nuôi lợn thịt sẽ rất khó khăn về vốn. Nay, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ chắc chắn giá lợn con sẽ giảm, người chăn nuôi sẽ mạnh dạn tái đàn và ngành chăn nuôi tỉnh Yên Bái sẽ nhanh chóng phục hồi” - ông Thanh nói.
Để kịp thời triển khai gói chính sách này, UBND tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể, quy định đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 9 nhóm đối tượng.
Với những yêu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế, bù đắp những thiếu hụt do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần nhanh chóng tiến hành rà soát nhu cầu, đăng ký mô hình. Đồng thời, triển khai các bước giúp người chăn nuôi tiếp cận được gói chính sách hỗ trợ để chăn nuôi một cách an toàn và hiệu quả.
Hồng Duyên