Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDNN) trên địa bàn tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc trên địa bàn nghiêm túc triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chủ động kiểm tra, rà soát khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid - 19 gây ra.
Căn cứ vào quy định nội bộ tạm thời của từng hệ thống về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống mình thực hiện.
Đồng thời, có các biện pháp quản lý, theo dõi, ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để làm sai lệch, không đúng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của cả ngân hàng và khách hàng vay vốn.
Với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN, các ngân hàng đã phối hợp với khách hàng đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng, nhóm khách hàng để cơ cấu lại hoạt động.
Theo số liệu của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, đến cuối tháng 4/2002, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tháo gỡ khó khăn cho 4.928 khách hàng với dư nợ 1.842 tỷ đồng; trong đó, có 207 DN với số dư nợ 1.201 tỷ đồng.
Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 812 khách hàng với dư nợ 116,8 tỷ đồng; trong đó, có 16 khách hàng là DN và hợp tác xã với dư nợ 79 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 1.141 khách hàng với dư nợ được miễn giảm là 1.722 tỷ đồng với số lãi được miễn giảm là 31 tỷ đồng; trong đó, có 93 DN với dư nợ là 1.124 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm là 27 tỷ đồng.
Bên cạnh cơ cấu nợ, miễn giảm hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, hệ thống ngân hàng cũng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và dịch vụ liên quan để đồng hành, hỗ trợ khách hàng các giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh.
Đến nay, các chi nhánh ngân hàng đã giải ngân cho gần 5.000 khách hàng với doanh số giải ngân mới đạt 1.842 tỷ đồng; trong đó, có 96 khách hàng là DN và hợp tác xã (HTX). Ngoài ra, các chi nhánh ngân hàng thương mại còn thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cũ phát sinh trước ngày 23/1/2020 (dư nợ hiện hữu) từ 0,5 - 2,5%/năm.
Đi đầu phải kể đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Yên Bái và đơn vị này đã giảm lãi suất gần như toàn bộ khách hàng, trừ lĩnh vực thủy điện. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái giảm lãi suất từ 0,5% đến 1%/năm cho 29 khách hàng; trong đó, có 12 khách hàng là DN với dư nợ 419 tỷ đồng; đồng thời, còn giảm dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thêm 1%/ năm.
Thông tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Chi nhánh tỉnh Yên Bái, Chi nhánh đã sớm áp dụng chương trình giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến nay, chi nhánh này đã giảm lãi suất từ 0,5 % - 1%/năm cho 31 khách hàng; trong đó, có 8 DN với dư nợ 224 tỷ đồng.
Hành động kịp thời, thiết thực của ngành ngân hàng đã đồng hành, hỗ trợ DN đang gặp khó khăn do dịch Covid - 19. Tuy nhiên, do một số DN đơn vị cũng phải chứng minh giấy tờ xuất hàng, tình hình tài chính nhưng nhiều DN xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, xuất ủy thác, dẫn đến việc hỗ trợ sẽ có độ trễ.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, hợp tác xã, thời gian tới, NHNN tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, QTDNN chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế và nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của tỉnh và NHNN Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục rà soát đến từng DN, HTX để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của NHNN đối với chi nhánh ngân hàng trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Đồng thời, có biện pháp quản lý, theo dõi, ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để làm sai lệch không đúng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của cả ngân hàng và khách hàng.
Bên cạnh nỗ lực giải quyết các khó khăn cho DN, nhiệm vụ quan trọng là các ngân hàng vẫn phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, an toàn; do vậy, hệ thống ngân hàng không phá vỡ tiêu chí an toàn, không hạ chuẩn cho vay.
Văn Thông