Phát triển từ tổ phụ nữ dệt thổ cẩm, năm 2019, Làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha được công nhận, không chỉ giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ.
Trung bình mỗi tháng, chị em có thêm thu nhập từ 6-7 triệu đồng đối với người làm thường xuyên, những người tranh thủ lúc rảnh rỗi cũng có thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Làng nghề có 35 thành viên, hoạt động dưới sự đôn đốc, phân công của chị Lý Thị Ninh.
Chị Ninh chia sẻ: "Nhiều năm nay, chúng tôi được Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật thêu dệt để tạo thành các sản phẩm đa dạng cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm của chúng tôi giờ đa dạng hơn: váy, áo, vỏ gối, khăn quàng, túi, ví không chỉ bán ở thị trường trong huyện mà còn ở các địa phương như: Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các sản phẩm chúng tôi làm ra đến đâu đều được thu mua đến đấy song do không có vốn để mua dự trữ nguyên vật liệu và máy móc công nghiệp nên đôi khi không đáp ứng được yêu cầu về sản lượng và thời gian. Chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ vay vốn để có thể sản xuất dư, vừa tạo những sản phẩm có sẵn để trưng bày vừa để xuất bán ngay khi có đơn đặt hàng, chị em sẽ có thu nhập cao hơn rất nhiều”.
Cũng trong năm 2019, Làng nghề nấu rượu thóc ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn được công nhận. Trước đây, rượu thóc La Pán Tẩn chỉ để phục vụ cho nhu cầu của người dân tại chỗ. Điểm đặc biệt của rượu thóc là loại men lá được đồng bào tổng hợp từ 15 loại cây, hội tụ đủ các vị thảo dược của núi rừng; nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá và một quy trình sản xuất hoàn toàn cổ truyền. Vài năm trở lại đây, người Mông La Pán Tẩn đã phát triển nghề nấu rượu thóc truyền thống trở thành hàng hóa, món quà đặc sản của địa phương, đem lại lợi ích kinh tế cao.
Bên cạnh 2 làng nghề trên, năm 2019, nghề chế tác khèn Mông ở các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, Mồ Dề; nghề rèn, đúc tại các xã: Nậm Khắt, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi được công nhận nghề truyền thống.
Việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề góp phần củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hợp lý, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn. Công nhận nghề truyền thống, làng nghề cũng từng bước hình thành các làng nghề gắn với phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch làng nghề, thúc đẩy quá trình sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, nhất là tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt; lưu giữ và phát triển các ngành nghề, sản phẩm có nguy cơ bị mai một.
Bà Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của 2 làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; liên hệ với các doanh nghiệp ngoài huyện tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động của hai làng nghề, tu sửa cơ sở vật chất, trang trí khu trưng bày sản phẩm làm điểm tham quan cho du khách, vận động nhân dân tích cực sản xuất các sản phẩm như: rượu thóc La Pán Tẩn, các mẫu hoa văn thổ cẩm để làm áo, váy, đồ lưu niệm để phục vụ khách du lịch, nghiên cứu nhiều mẫu mới tinh tế, hấp dẫn khách du lịch”.
Có thể nói rằng, phát triển làng nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giảm nghèo mà còn góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Và nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch, ngoài những lợi ích kép về kinh tế thì đây sẽ trở thành một trong những kênh quảng bá hình ảnh miền đất, con người Mù Cang Chải với bạn bè trong nước, quốc tế.
Hoài Anh