Để hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HND huyện Yên Bình chỉ đạo HND các xã tăng cường tuyên truyền về Luật HTX; đưa nội dung tuyên truyền về mô hình kinh tế HTX, THT vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Trên cơ sở các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các cơ sở, HND các cấp đã quy tụ, tập hợp các hộ sản xuất trong cùng lĩnh vực để hỗ trợ thủ tục, hồ sơ thành lập THT, HTX.
Nhờ được các cấp hội hỗ trợ, 7/2019 HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An, tại thôn Cây Tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình chính thức được ra mắt với 9 hộ thành viên. Ngành nghề chính của HTX là chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Với quy mô 100 con/lứa, năm 2019, HTX xuất bán trên 2.000 con trâu, bò, đảm bảo chất lượng và mang lại doanh thu 800 triệu đồng, tạo thu nhập cao cho các thành viên.
Anh Hoàng Văn Liêm - Chủ nhiệm HTX chia sẻ: "Chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật và lại được HND huyện hỗ trợ thành lập HTX. Với kiến thức cùng với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, trâu, bò của các thành viên, của HTX phát triển tốt, cung cấp những sản phẩm có chất lượng cho thị trường. Nhờ tham gia HTX mà 3 hộ thành viên đã dần thoát nghèo”.
Năm 2019, huyện Yên Bình đã hình thành 10 THT với các ngành nghề: chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông - lâm sản, dịch vụ...; 2 HTX dịch vụ tổng hợp. Các loại hình KTTT phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực. HND huyện cũng đã đem sản phẩm gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh quảng bá tại hội chợ giới thiệu sản phẩm do Trung ương HND Việt Nam tổ chức.Đến nay, hai mặt hàng đã được cấp nhãn hiệu theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tập trung xây dựng các mô hình trang trại, các mô hình KTTT sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh theo chuỗi giá trị. Điển hình như mô hình trồng rừng bền vững theo chuỗi giá trị đạt chứng chỉ quốc tế FSC tại 8 xã: Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân, Tân Hương, Đại Đồng, thị trấn Yên Bình, Phú Thịnh và Thịnh Hưng.
Để làm được điều đó, từ năm 2019 đến nay, HND huyện đã phối hợp với các ngân hàng giải ngân vốn vay cho hội viên phát triển sản xuất, quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) các cấp với tổng nguồn vốn là trên 2,7 tỷ đồng (trong đó, nguồn Quỹ HTND tỉnh 500 triệu đồng; Quỹ HTND Trung ương là trên 1,7 tỷ đồng; Quỹ HTND huyện 480 triệu đồng). Hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quý I năm 2020, các cấp hội đã có 3.383 hộ nông dân vay, tổng số tiền trên 125 tỷ đồng. Tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 728 thành viên vay vốn, dư nợ trên 54 tỷ đồng.
Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện; các cơ quan chức năng mở trên 80 lớp dạy nghề cho nông dân như: kỹ thuật thâm canh cây bưởi, chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông cụ; sản xuất rau an toàn; chế biến gỗ rừng trồng; gò hàn, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân; phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc...
Qua đó, tạo điều kiện cho người nông dân tham gia xây dựng các mô hình KTTT; đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và nâng cao tính cạnh tranh và hình thành các chuỗi giá trị từ chế biến, bảo quản, bao tiêu sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và mang tính bền vững.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nga - Phó Chủ tịch HND huyện Yên Bình: để tiếp tục phát triển các mô hình KTTT, HTX, THT các cấp HND tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cơ sở những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; các hộ sản xuất cùng lĩnh vực để thành lập các mô hình KTTT. Hội cũng tiếp tục tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tổ chức học tập các mô hình sản xuất hiện đại, kinh nghiệm điều hành quản lý của các mô hình KTTT hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống của nông dân”.
Minh Huyền