Yên Bái một nhiệm kỳ đột phá giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2020 | 8:07:46 AM

YênBái - Cùng với kiên trì thực hiện các giải pháp giảm nghèo đã mang lại hiệu quả trong nhiệm kỳ trước, lần đầu tiên Tỉnh ủy trực tiếp ban hành các kế hoạch giảm nghèo bền vững (Kế hoạch 131 năm 2019; Kế hoạch 170 năm 2020).

Nhiệm kỳ qua Yên Bái huy động nhiều nguồn vốn cho công tác giảm nghèo, trong đó phát triển mạnh về giao thông nông thôn. (Ảnh: T.L)
Nhiệm kỳ qua Yên Bái huy động nhiều nguồn vốn cho công tác giảm nghèo, trong đó phát triển mạnh về giao thông nông thôn. (Ảnh: T.L)

Thực hiện tốt công tác giảm nghèo và trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện công bằng xã hội là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng. 

Theo đó, giảm nghèo luôn là mục tiêu, là nhiệm vụ và cũng là yêu cầu trong mỗi giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, chưa khi nào vấn đề giảm nghèo bền vững lại được tỉnh triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đạt nhiều kết quả trong thời gian qua. "Không ai bị bỏ lại phía sau” - tinh thần đó đã và đang được cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương tại Yên Bái phát huy cao độ. 

Là tỉnh miền núi khó khăn, đông đồng bào dân tộc sinh sống; vì vậy, bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái còn trên 32% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” theo tinh thần Chỉ thị số 01CT - TTg ngày 7/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt trong  lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo. 

Theo đó, Tỉnh ủy coi đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tổng thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: "Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội. Trong mọi hoàn cảnh, việc thực hiện các chính sách xã hội phải luôn được bảo đảm; đồng thời giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế”. Đại hội cũng đề ra mục tiêu: "Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,5%/năm”. 

Do đó, cùng với kiên trì thực hiện các giải pháp giảm nghèo đã mang lại hiệu quả trong nhiệm kỳ trước, lần đầu tiên Tỉnh ủy trực tiếp ban hành các kế hoạch giảm nghèo bền vững (Kế hoạch 131 năm 2019; Kế hoạch 170 năm 2020).

Theo đó, giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến các xã, phường, thị trấn; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị, địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm rất cao để thực hiện các nhiệm vụ về công tác giảm nghèo. 

Để giảm nghèo hiệu quả, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm ban hành một số chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ban hành một số chính sách trợ giúp xã hội đặc thù với mức hỗ trợ cao hơn quy định chung của Chính phủ. 

Việc huy động nguồn lực từ ngân sách để thực hiện chính sách giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời. 5 năm qua, toàn tỉnh huy động, ghép các nguồn vốn ước đạt 16.894 tỷ đồng để đầu tư cho công tác giảm nghèo; trong đó, ngân sách Trung ương 8.926 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.759 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi 3.354 tỷ đồng; nguồn vốn huy động các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhân dân 415 tỷ đồng; từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác 1.440 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp đỡ các hộ nghèo với kinh phí thực hiện 10 tỷ 413 triệu đồng, giúp 3.403 hộ thoát nghèo...

Từ sự quan tâm chỉ đạo và nguồn lực đầu tư lớn, công tác giảm nghèo đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 32,1% năm 2016 giảm còn 11,56% năm 2019 (giảm 20,65%), bình quân mỗi năm giảm 5,16%, đạt 147,42% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh; giảm gấp 3,44 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. 

Đối với 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong 4 năm qua đạt 33,3%, bình quân mỗi năm giảm 8,32% (từ 75,12% đầu năm 2016 xuống còn 41,82% vào cuối năm 2019), đạt 138% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. 

Cùng với giảm nghèo, khoảng 26.000 đối tượng bảo trợ xã hội, nhiệm kỳ qua tỉnh đã bố trí 561 tỷ đồng để chi trả trợ cấp hàng tháng, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ mai táng phí cho các đối tượng qua đời. 

Cùng đó, các chính sách trợ giúp đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại bởi thiên tai, rủi ro bất khả kháng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.457 lượt hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại bởi thiên tai, rủi ro bất khả kháng với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng; hỗ trợ trên 3.700 tấn lương thực cho 73.185 lượt hộ với trên 252 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói. 

Ngoài ra, thông qua công tác vận động quyên góp, ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hàng ngàn hộ bị thiệt hại do thiên tai được giúp đỡ với giá trị hàng chục tỷ đồng... 

Kết quả đạt được trong giảm nghèo là rất lớn; tuy nhiên, là tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có hai huyện và nhiều xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn; trong khi đó, nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội còn thấp so với nhu cầu và phần lớn phụ thuộc vào Trung ương. 

Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng vẫn còn ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực; đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các dân tộc thiểu số còn cao hơn 1,8 lần so với tỷ lệ chung toàn tỉnh… 

Vì vậy, để giảm nghèo nhanh, bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo theo đúng tinh thần Chương trình hành động 190 và Kế hoạch 170 của Tỉnh ủy, coi giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội; từng cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo đã được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó. 

Cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” theo tinh thần Chỉ thị số 01CT - TTg ngày 7/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành, tập thể, cá nhân trên địa bàn, tạo sự đồng thuận để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; trong đó, chú trọng việc tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, phấn đấu vươn lên của người nghèo. 

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là vùng khó khăn; tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giảm nghèo, trợ giúp xã hội… 
Đình Tứ

Tags Yên Bái nhiệm kỳ đột phá giảm nghèo

Các tin khác
Khu chăn nuôi tập trung của HTX MQ.

Xã Minh Quán, huyện Trấn Yên là địa phương thuần nông. Trước đây, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, quy mô manh mún, nhỏ lẻ.

Trong đó, trà lúa mùa sớm trên 1.200 ha, cơ cấu 45% lúa lai, 55% lúa thuần.

Nông dân Văn Chấn thu hoạch lúa xuân.

Nông dân huyện Văn Chấn đang đẩy mạnh thu hoạch gần 2.700 ha lúa xuân, trong đó, lúa lai chiếm 50% diện tích; năng suất lúa ước đạt 59 tạ/ha.

Philippines nhập khẩu gạo để bổ sung dự trữ cho tiêu dùng trong nước. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Philippines đã mở thầu mua 300.000 tấn gạo dưới hình thức đấu giá liên chính phủ. Trong đó, Việt Nam trúng thầu 60.000 tấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục