Để giải bài toán tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động, thời gian qua, huyện Yên Bình đã tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý tăng cường thu hút đầu tư để phát triển mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).
Với mục tiêu lấy sản xuất CN-TTCN là nền tảng, phát triển du lịch là mũi nhọn, huyện đã chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, lắp ráp; đầu tư vào chế biến sâu về khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm sản thực phẩm; các dự án nuôi trồng thủy sản; đặc biệt là đầu tư vào các dự án khu nghỉ dưỡng, hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch...
Đồng chí Nguyễn Văn Trọng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện đã chủ động phối hợp liên kết tổ chức các hội nghị, hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư; tích cực phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; đối thoại, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án trên địa bàn huyện”.
Giai đoạn 2015-2020, huyện đã có 61 dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 17.000 tỷ đồng và 11,14 triệu USD đầu tư vào địa bàn huyện (33 dự án đã hoàn thành đầu tư). Trong đó, một số dự án lớn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế của huyện như: Dự án sản xuất chế biến đá vôi trắng của Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; dự án Nhà máy chế biến gỗ Kim Gia với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái thể thao, vui chơi, giải trí hồ Thác Bà với tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng; và nhiều dự án quan trọng khác.
Nhà máy Sản xuất vật liệu chịu lửa sản xuất gạch đất sét nung lò tuynel của Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa và Xây lắp điện Việt – Trung được khởi công xây dựng tháng 10/2019 tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng với diện tích 4,5 ha, tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng. Hiện, Nhà máy đang tiến hành khâu xây dựng nhà xưởng và lắp đặt dây chuyền sản xuất, dự kiến cuối năm 2020 này đi vào hoạt động với công suất 45 triệu viên gạch/năm.
Ông Nguyễn Xuân Định – Trưởng ban Quản lý xây dựng công trình Nhà máy sản xuất vật liệu chịu lửa sản xuất gạch đất sét nung lò tuynel của Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa và Xây lắp điện Việt – Trung phấn khởi: "Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đã tạo mọi điều kiện từ cấp giấy phép đầu tư đến giải quyết các thủ tục hành chính rất nhanh gọn. Việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng để Công ty triển khai xây dựng Nhà máy cũng rất thuận lợi. Chúng tôi rất hài lòng với môi trường đầu tư tại đây”.
Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển toàn diện sản xuất nông lâm nghiệp, CN-TTCN, kinh tế của huyện Yên Bình phát triển khá toàn diện và chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản xuống còn 24,3%, giảm 7,4% so với năm 2015; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành sản xuất công nghiệp đạt 18,5%/năm.
Giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020) đạt 14.583 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2010 – 2015; riêng năm 2020 ước đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 285,6% so với năm 2015. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2020 ước đạt 36 triệu đồng/năm.
Hồng Giang