Số liệu từ EVN cho thấy đã có hơn 3,1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.
Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị giải quyết triệt để thắc mắc, khiếu nại của các khách hàng về hóa đơn tiền điện. Kết quả giải quyết này phải được đăng công khai trên website của tập đoàn và các tổng công ty điện lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng cường, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà ở.
Hoá đơn tiền điện tăng vọt là vấn đề rất "nóng" trong thời gian gần đây. Trước phản ánh của người dân, trong hai ngày 25 - 26/6, đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện, giải quyết kiến nghị của khách hàng tại Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội.
Qua kiểm tra thực tế tại hai Công ty Điện lực Mê Linh và Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng rất quan tâm tìm hiểu vấn đề ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện bởi một số người tiêu dùng đã phản ánh hóa đơn tiền điện tăng. Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, quy trình kinh doanh của ngành Điện rất chặt chẽ, nhưng sai sót của một số cá nhân khi thực hiện đo, ghi chỉ số đã khiến khách hàng băn khoăn.
Ông Hùng nhận định, vấn đề cốt yếu là do khách hàng còn thiếu thông tin. EVN cần tăng cường truyền thông để khách hàng hiểu về hoạt động kinh doanh của ngành Điện, công tác ghi chỉ số, kiểm định công tơ, cũng như hiểu rõ các tiện ích từ hóa đơn điện tử, tiếp cận các kênh chăm sóc khách hàng ngành Điện…
Liên tiếp xảy ra các vụ ghi nhầm hóa đơn tiền điện
Ngày 19/6, tại Nghệ An, nhân viên Điện lực Quỳ Châu ghi chỉ số điện của 1 khách hàng ở thị trấn Quế Phong. Khi nhập vào máy tính, đơn vị thấy có sự chênh lệch lớn, gấp 30 lần so với tháng trước nên đã phúc tra và có phát hiện sai sót. Số điện phúc tra được viết lại dưới biên bản nhưng nhân viên nhập số liệu lại không để ý, vẫn ghi chỉ số cũ và thông báo cho khách hàng.
Kiểm điểm sự việc, Điện lực Quỳ Châu đề xuất đình chỉ công tác nhân viên nhập chỉ số điện; phê bình, khiển trách nhân viên ghi chỉ số điện sai và tạm đình chỉ công tác giám đốc đơn vị trong vòng 15 ngày.
Tại Quảng Bình, Phó Giám đốc công ty Điện lực Quảng Bình và Giám đốc Điện lực Đồng Hới đã bị đình chỉ công tác vì xảy ra vụ ghi nhầm hơn 58 triệu đồng tiền điện của một khách hàng, tăng gấp 33 lần bình quân hàng tháng. Khi tính lại thì chi phí thực chỉ khoảng 500.000 đồng cho tiền điện tháng này.
Tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, một gia đình thuộc diện hộ nghèo nhận được thông báo nộp tiền điện với số tiền lên tới hơn 89,3 triệu đồng. Điều đáng nói, gia đình này chỉ có 3 nhân khẩu. Trong khi đó, hàng tháng gia đình chỉ đóng tiền điện khoảng 200 số và không có nhiều thiết bị điện. Số tiền lớn đến nỗi gia chủ tưởng chỉ là 89.000 đồng. Lý do cũng vì nhân viên ghi nhầm chỉ số tiêu thụ điện.
Liên quan tới một số sai sót trong ghi chỉ số, lập hóa đơn trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc EVN - ông Võ Quang Lâm cho biết đó là sai sót, lỗi của một số cá nhân. Hệ thống đo ghi chỉ số vẫn hoạt động ổn định. Việc trang bị và vận hành công tơ được EVN thực hiện theo đúng Luật đo lường.
Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, từ tháng 7 tới đây, Tập đoàn sẽ tăng cường công tác kiểm tra chéo trong việc đo ghỉ chỉ số, lập hóa đơn, hoàn chỉnh hơn quy trình nghiệp vụ kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm một cách hợp lý.
(VTV)