Gắn bó với nghề nuôi vịt siêu trứng hơn 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Lâm ở tổ dân phố số 2, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên thường xuyên nuôi khoảng 1.200 con vịt siêu trứng. Theo chị Lâm: vịt rất nhạy cảm khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi trời nắng nóng nếu không chú trọng chăm sóc sẽ dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, làm giảm tỷ lệ đẻ và chất lượng trứng.
Do đó, vào mùa hè, gia đình chị giãn cách mật độ nuôi, điều tiết lượng nước trong ao nuôi hợp lý để vịt thoải mái bơi lội, tránh thân nhiệt tăng cao. Về chế độ dinh dưỡng, chị cho vịt ăn thức ăn bảo đảm chất lượng, giàu dinh dưỡng để phát huy khả năng sinh sản; đồng thời, bổ sung thêm canxi giúp cải thiện sản lượng trứng, chất lượng vỏ trứng. Nuôi vịt siêu trứng mùa nắng nóng, chị còn đặc biệt chú trọng việc thu hoạch, bảo quản trứng để tránh bị hỏng.
Buổi sáng khi cho vịt ăn cũng là lúc chị thu nhặt trứng vì lúc này vịt tập trung ăn sẽ không chạy nháo nhác gây dập vỡ trứng. Trứng sau khi nhặt được bảo quản ở phòng mát và thương lái đến thu mua ngay trong ngày. Nói về kinh nghiệm để chăn nuôi vịt đẻ đều, đẻ nhiều, chị Lâm cho hay: "Thật ra, tôi cũng không có bí quyết gì cả, mà chỉ chú trọng chọn vịt giống bảo đảm khỏe mạnh rồi tiêm phòng vắc - xin đầy đủ, chế độ ăn thì cám công nghiệp chiếm 30%, còn lại 70% là ngô, thóc, chuối cây băm nhỏ”.
Nuôi gà thương phẩm với số lượng lớn, chị Hoàng Thị Thúy, thôn Hiển Dương, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đã quyết định nuôi giống gà Minh Dư thả vườn thay vì nuôi nhốt trong chuồng. Để gà phát triển khỏe mạnh, tránh dịch bệnh, chị luôn chú trọng vệ sinh thú y trong chăn nuôi. Chị Thúy cho biết: "Vào mùa hè, tôi thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ thay chất độn chuồng, luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ, không đọng phân, nước thải. Đệm lót chuồng được trộn với chế phẩm vi sinh và trải mỏng nhằm xử lý triệt để nguồn phân thải, tránh gây mùi và phát sinh nhiệt trong chuồng nuôi, hạn chế mầm bệnh phát sinh”.
Theo Cục Thống kê tỉnh, hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có hơn 5.526.000 con tăng 7,06% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm tăng là do việc thực hiện hiệu quả các đề án, các chính sách hỗ trợ để phát triển chăn nuôi đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô, hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và liên kết hộ chăn nuôi theo dạng chuỗi khép kín; đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi làm tăng năng suất, hiệu quả của đàn gia cầm.
Cùng với phát triển đầu đàn, việc tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm được quan tâm, nên đã không để xảy ra các ổ dịch, bệnh, mầm bệnh lây lan. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, gia cầm là vật nuôi có khả năng chịu nhiệt kém do lớp lông dày, không có tuyến mồ hôi để giải phóng thân nhiệt nên vào mùa hè thường có biểu hiện say nắng như khó thở, thở gấp, mệt mỏi, bỏ ăn, xõa cánh, sức đề kháng giảm, dễ mắc dịch bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển.
Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, người chăn nuôi gia cầm cần thực hiện tốt các biện pháp kiểm tra, cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại; mái chuồng nên làm đơn giản bằng tranh, tre, lá hoặc lợp hai mái để chống nóng trực tiếp và tăng cường độ thoáng của chuồng; xung quanh chuồng được che chắn, tránh được mưa tạt, gió lùa khi mưa dông.
Đối với chuồng kín, cần lắp đặt hệ thống quạt thông gió, giàn mát hợp lý để tạo sự thông thoáng, giảm được lượng khí độc lưu thông trong chuồng, chuồng trại chăn nuôi phải bảo đảm luôn sạch sẽ. Mật độ nuôi nhốt vừa phải và đối với gà thịt từ 9 - 10 con/m2, gà giống từ 4 - 5 con/m2; nếu trời quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Về chế độ dinh dưỡng cho gia cầm trong những ngày nắng nóng, cần tăng số lượng máng uống; cung cấp đủ nước mát và sạch cho gia cầm uống giúp giảm nhiệt độ cơ thể; cho ăn thức ăn chất lượng tốt, bảo đảm không thiu mốc, không chứa độc tố; bố trí khẩu phần ăn giàu năng lượng thay cho tinh bột để hạn chế sản sinh nhiệt; chuyển thời gian cho ăn vào lúc trời mát hoặc ban đêm; bổ sung thêm vitamin C, B-Complex, chất điện giải vào nước uống cho gia cầm để tăng cường sức đề kháng...
Quang Thiều