Giải ngân vốn đầu tư công được coi là giải pháp giúp kích cầu nền kinh tế, bù đắp thiếu hụt tăng trưởng, thiệt hại do dịch Covid - 19 gây ra.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết ngày 15/6, toàn tỉnh giải ngân đạt trên 1.498.427 triệu đồng/tổng kế hoạch vốn giao là 4.749.115 triệu đồng, bằng 31,6%. Thực tế, số vốn giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 604.272 triệu đồng, nhưng so với kế hoạch vốn được giao trong năm 2020 thì tỷ lệ này vẫn thấp.
Trong đó, các nguồn vốn kéo dài từ năm 2019 chuyển sang giải ngân đạt 69.399 triệu đồng bằng 50,7%; vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 524.290 triệu đồng, bằng 52,2%; vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 749.649 triệu đồng, bằng 13,4%; vốn ODA giải ngân đạt 155.100 triệu đồng, bằng 13,4% kế hoạch vốn giao.
Về tình hình giải ngân của các đơn vị chủ đầu tư khối huyện, đến nay, số vốn đã giải ngân đạt hơn 963.507 triệu đồng/tổng kế hoạch vốn giao là 1.856.173 triệu đồng, bằng 51,9% kế hoạch vốn khối huyện. Nhiều địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao; trong đó, nhóm dẫn đầu có huyện Trấn Yên đạt 69%; huyện Văn Yên đạt 63,4%; huyện Văn Chấn đạt 62,6%... Trái ngược với kết quả giải ngân khối các địa phương, kết quả giải ngân các đơn vị cấp tỉnh đạt rất thấp.
Đến nay, các sở, ngành mới giải ngân đạt hơn 534.920 triệu đồng, bằng 19,1% kế hoạch; một số đơn vị chủ đầu tư có kết quả giải ngân rất thấp như: Sở Xây dựng đạt 0,04%, Sở Tài nguyên và Môi trường 6,8%, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh 9,1%; trong đó, có nhiều công trình chưa thực hiện giải ngân.
Nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu là do việc phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các địa phương còn hạn chế.
Nhiều dự án công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ thi công, trong đó phải kể đến dự án chợ bến đò, hạ tầng kỹ thuật Công viên Đồng Tâm; đường nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Cùng đó, tiến độ thực hiện chuẩn bị thủ tục đầu tư của một số dự án khởi công mới năm 2020 còn chậm; trong đó, phải kể đến dự án kè chống sạt lở bờ sông Hồng (khu vực đền Tuần Quán); dự án di chuyển khẩn cấp, bố trí dân cư vùng thiên tai lũ ống, lũ quét trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, nên đến nay, một số nguồn vốn chưa đủ điều kiện giao chi tiết; do đó, đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân thực hiện và giải ngân chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư vốn ODA kế hoạch năm 2020 gặp nhiều vướng mắc vì một số dự án chưa ký được hiệp định do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên nhà tài trợ chưa sang Việt Nam để ký kết; một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2020 nhưng chưa được Bộ Tài chính cấp vốn; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh bổ sung dự án. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; do đó, đã kéo dài thời gian thực hiện các dự án nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của toàn tỉnh.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các sở, ban, ngành, các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất thủ tục để phân bổ chi tiết các nguồn vốn ngay khi có đủ các điều kiện phân bổ theo quy định. Rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định dự toán, thiết kế công trình; qua đó, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố, chủ đầu tư giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu triển khai theo hợp đồng; hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đối với khối lượng đã hoàn thành. Riêng với dự án khởi công mới, khẩn trương hoàn tất các thủ tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu để triển khai xây dựng.
Cùng đó, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh sẽ điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng cắt giảm tại các dự án thực hiện giải ngân chậm hoặc giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết để bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt nhưng chưa được bố trí đủ vốn theo kế hoạch.
Văn Thông