Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trấn yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Đổi thay ở Đồng Ruộng

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2020 | 10:51:43 AM

YênBái - Thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành là thôn đặc biệt khó khăn có 255 khẩu, với 44/47 hộ chiếm trên 93,6% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, Đồng Ruộng đã nhận được nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó kết cấu hạ tầng, đời sống người dân đã có những đổi thay đáng kể.

Trưởng thôn Giàng A Sáu (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc tre măng  Bát độ.
Trưởng thôn Giàng A Sáu (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc tre măng Bát độ.

Chiếc xe máy tay ga bon bon chạy trên con đường bê tông phẳng lỳ, uốn lượn quanh những đồi quế, rừng tre, chỉ chưa đầy 10 phút từ trung tâm xã chúng tôi đã có mặt tại thôn Đồng Ruộng. Hiện ra trước mắt tôi là một bản làng thanh bình, xanh, sạch nằm gọn trong thung lũng, bao quanh là những rừng tre măng Bát độ. 

Những ngôi nhà kiên cố mang đậm bản sắc dân tộc Mông nằm dọc bên đường, thấp thoáng mảng màu xanh rì của lúa đang bén rễ, tạo nên bức tranh quê ấm no. 

Trên đường đưa chúng tôi vào thôn, đồng chí Hoàng Văn Đà - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành là người đã từng có nhiều năm phụ trách thôn Đồng Ruộng chia sẻ: "Chỉ cách đây vài ba năm thôi, đây là con đường mòn, nếu muốn đi từ trung tâm xã vào thôn có khi mất vài tiếng đồng hồ, ngày mưa học sinh phải nghỉ học; nông sản bà con làm ra giá bao giờ cũng rẻ hơn bên ngoài chục giá đến vài chục giá”. 

Được biết, năm 1987 một số hộ đồng bào Mông ở xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên đã di cư đến vùng đất bằng phẳng có đồi, có suối này để vỡ đất làm ruộng, phát rừng làm nương. Đầu tiên 1 hộ về, 2 hộ về dần dần có hơn 20 hộ đến đây dựng nhà, lập nghiệp. Đến năm 1994, bản Đồng Ruộng chính thức được thành lập. Những ngày đầu định cư, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây gặp không ít khó khăn như: không đường, không điện, không nhà văn hóa; cuộc sống bữa đói, bữa no, con em không được đến trường... 

Nhà trưởng thôn Giàng A Sáu ở ngay đầu thôn, khi chúng tôi đến, ông cùng con gái đang canh con lợn nái đến kỳ sinh nở. Vừa rửa tay ông Sáu vừa phấn khởi chuyện: "Nhà mình nuôi 3 con lợn nái, mỗi con một lứa đẻ được 10 - 13 con, sau đẻ cứ nuôi tròn tháng thì bán lợn giống cho người dân. Tính ra mỗi đàn lợn cũng được 20 - 30 triệu đồng, tùy thời điểm”. 

Năm 2004, theo chủ trương của huyện và xã, cây tre măng Bát độ được đưa vào trồng trong thôn. Từ đó đến nay, tre măng không chỉ bén rễ phát triển mà sự có mặt của cây măng đã mang lại cho Đồng Ruộng một diện mạo mới. Tre măng Bát độ đã trở thành cây trồng chính mang lại thu nhập cho nhiều hộ đồng bào Mông ở đây. Hiện nay, toàn thôn có gần 180 ha, trong đó, trên 150 ha đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu trên 4 tỷ đồng. 

Ông Sổng A Thào phấn khởi chia sẻ: "Nhờ có cây măng mà cuộc sống của gia đình mình tốt hơn, mỗi năm nhà mình thu được 100 - 130 triệu đồng tiền măng đấy. Cũng từ tiền bán măng mà dân bản mình mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy rồi cả ô tô, máy xúc để phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất”. Trong phát triển kinh tế, đồng bào Mông ở thôn Đồng Ruộng đã thay đổi nhận thức, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Người Mông ở Đồng Ruộng đã biết làm mạ khay, mạ ném, gieo cấy 2 vụ, năng suất vật nuôi, cây trồng tăng dần qua các năm. Từ chỗ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc đến nay đời sống của người dân đã được cải thiện trông thấy. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,5%. 

Kinh tế phát triển đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục được nâng cao. 100% trẻ em trong độ tuổi được cắp sách đến trường. Thôn cơ bản đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ II, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II, phổ cập giáo dục THCS mức độ II. Trong năm 2019, thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà văn hóa rộng 300 m2, có sức chứa 100 chỗ ngồi được trang bị đầy đủ thiết bị như: tăng âm, loa đài, bàn ghế... trị giá vài trăm triệu đồng. 

Đời sống tinh thần của bà con dân bản được nâng cao, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Toàn thôn không còn hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đám ma được tổ chức nhanh gọn, chôn cất tại nghĩa trang; trên 85% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thôn đạt thôn văn hóa.

Những ngày trung tuần tháng 7, cũng là thời điểm một vụ măng mới bắt đầu. Con đường bê tông từ trung tâm xã vào thôn trở nên tấp nập bởi những chiếc xe tải nối đuôi nhau ra, vào thu mua măng. Đồng Ruộng lại thêm một vụ măng bội thu, cuộc sống của đồng bào ngày càng sung túc. Những thành quả đó là cơ sở vững chắc để Đồng Ruộng quyết tâm xây dựng thành công thôn nông thôn mới kiểu mẫu.  

Hồng Duyên

Tags thôn Đồng Ruộng xã Kiên Thành Trấn Yên tre măng bát độ

Các tin khác
Tiến sỹ Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu chuyên đề “Luật Doanh nghiệp 2020” cho các đại biểu tham dự.

Ngày 14/7, Sở Tư pháp phối hợp với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp - Bộ Tư pháp và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh và đầu tư dành cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bằng sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và huy động sức dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh, Trấn Yên đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên được công nhận của khu vực Tây Bắc. Nông thôn mới giúp số hộ nghèo giảm nhanh; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36,8 triệu đồng/người/năm, tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2015. Huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Ảnh minh họa

Từ ngày 6/8/2020, việc kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) được thực hiện theo Thông tư 62/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.

Huyện Lục Yên hiện có 349 công trình thủy lợi, 8 trạm bơm, 20 công trình hồ, đập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục