Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu về nguồn gốc, giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế của cây Mắc ca.
Cây Mắc ca được đưa vào Việt Nam từ những năm 1990, sau một thời gian khảo nghiệm chứng minh loại cây này có thể sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở những nơi có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 16.400 ha cây Mắc ca ở 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, sản lượng dự ước khoảng 53.000 tấn hạt tươi vào năm 2020.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 80 ha cây Mắc ca, trồng rải rác tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên và Lục Yên. Tuy nhiên, những diện tích này chủ yếu trồng tự phát trong dân.
Để mở rộng diện tích, qua khảo sát, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá Yên Bái là tỉnh có nhiều tiềm năng và khí hậu thích hợp để trồng cây Mắc ca, diện tích có thể trồng là trên 1.400 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải.
Hiện Hiệp hội đang nghiên cứu và đề xuất triển khai việc trồng xen cây Mắc ca với cây chè tại tỉnh Yên Bái, trong đó dự kiến trồng thử nghiệm 5 ha cây Mắc ca xen chè tại huyện Văn Chấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đánh giá cao Hiệp hội đã chủ động khảo sát, nghiên cứu bước đầu về phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Thực tế đã chứng minh cây Mắc ca là loại cây có giá trị kinh tế cao, có khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cho phép phát triển bài bản ở Việt Nam.
Khẳng định Yên Bái có nhiều điều kiện thuận lợi phù hợp có thể phát triển cây Mắc ca như các tỉnh lân cận (Lai Châu, Sơn La) và nhiều hộ dân ở Yên Bái đã trồng cho hiệu quả kinh tế cao, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội tiếp tục quan tâm để phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, những đòi hỏi khắt khe của cây Mắc ca với điều kiện khí hậu, giống, kỹ thuật thâm canh, yêu cầu giải pháp kỹ thuật chăm sóc cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm, vốn đầu tư ban đầu lớn… sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển ở Yên Bái.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với Hiệp hội việc nghiên cứu trồng thử nghiệm hướng đến việc mở rộng diện tích trồng Mắc ca trên địa bàn tỉnh trên cơ sở nghiên cứu các mô hình hiệu quả ở những địa phương lân cận hay vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự.
Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam giới thiệu về giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế của cây Mắc ca
Trước mắt, sẽ tiến hành trồng thử nghiệm với quy mô từ 10 - 15 ha, theo hướng trồng thuần, trồng xen và nhiều loại giống khác nhau. Việc trồng và phát triển cây Mắc ca phải gắn với chuỗi giá trị, theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội nên ưu tiên trồng cây Mắc ca tại các huyện phía Tây, các xã vùng cao của hai huyện Văn Yên, Lục Yên; đồng thời cần đưa các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất và nghiên cứu thị trường đầu ra cho các hộ dân tham gia trồng thử nghiệm và lựa chọn một doanh nghiệp tại Yên Bái để liên kết với các hộ dân khi thực hiện mô hình.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Hiệp hội triển khai trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh để có cơ sở phát triển lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy mong muốn Hiệp hội đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình phát triển cây Mắc ca, đặc biệt là việc hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, giống, hỗ trợ vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm để thực hiện mô hình.
Mạnh Cường - Hoài Văn