Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 - CT/TW (Chỉ thị số 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH).
Đây là một chỉ thị quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng CSXH - một kênh tín dụng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40, Tỉnh ủy Yên Bái đã quán triệt và triển khai thực hiện đến cán bộ chủ chốt của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện ủy, thành ủy; đồng thời, ban hành Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Chỉ thị 40.
Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện niêm yết nội dung Chỉ thị 40 tại bảng tin ở trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và thông qua mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền trực tiếp đến đông đảo nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố.
Qua đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng CSXH. Giai đoạn 2014 - 2019, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện cho vay được 129.176 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với doanh số 3.850 tỷ đồng.
Nguồn vốn đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 41.664 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 1.595 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 5.446 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 82 lao động được đi làm có thời hạn ở nước ngoài; 53.508 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng...
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Yên Bái là tỉnh còn khó khăn nên nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới là rất lớn. Do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực trình Ngân hàng CSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến 30/6/2019 trên địa bàn tỉnh đã triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách với 84.000 hộ đang vay vốn với tổng dư nợ 2.994 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm trên 60% tổng dư nợ. Tỷ trọng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình chiếm 86,5%, vốn đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội chiếm 13,5%.
Với nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua, các khách hàng vay vốn đã đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 53.094 ha rừng; 3.226 ha chè; 408 ha cây ăn quả; mua 49.909 con trâu, bò; 40.680 con lợn; 66.322 con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ...
Vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3 - 4%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong giai đoạn 2014 - 2019, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần khắc phục là: Việc lập danh sách và phê duyệt hộ nghèo ở cấp xã có tình trạng còn sai sót về tên, tuổi dẫn tới không đủ điều kiện pháp lý để làm căn cứ phê duyệt cho vay.
Một số nơi việc rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi còn chậm dẫn tới chậm tiến độ giải ngân các chương trình, vốn chính sách bị tồn đọng, lãng phí. Việc kết hợp các chương trình tín dụng chính sách với các chương trình dự án kinh tế - xã hội trên từng địa bàn chưa chặt chẽ, đồng bộ.
Do vậy, một số nơi hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao, người vay còn lúng túng trong việc sử dụng đầu tư nguồn vốn vay, có trường hợp hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư và phát triển kinh tế. Nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã. Tuy nhiên, nguồn vốn được phân bổ rất ít (từ năm 2016 - 2018 mới được giao nguồn vốn giải quyết việc làm là 3 tỷ đồng); do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn tạo việc làm chính đáng của người lao động...
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh chia sẻ: Để Chỉ thị 40 phát huy hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành đoàn thể, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH các cấp tiếp tục quán triệt cụ thể hóa tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Công văn số 1553 - CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tăng cường tập trung các nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối để đầu tư dưới hình thức tín dụng, hạn chế hình thức cấp phát, cho không; hàng năm trích một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phát huy vai trò tập hợp lực lượng, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến đông đảo nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác, hướng dẫn việc bình xét đối tượng vay vốn công khai, dân chủ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả...
Quang Thiều