Hàng năm, toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng trồng sản xuất. Theo đó, đến nay, diện tích rừng trồng của tỉnh có khoảng 210.000 ha; trong đó, diện tích rừng trồng sản xuất khoảng 150.000 ha. Cùng đó, toàn tỉnh có trên 550 cơ sở chế biến gỗ; trong đó, có 45 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và trên 500 hộ cá thể.
Tỉnh đã hình thành được vùng sản xuất gỗ nguyên liệu ở các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng trong và ngoài tỉnh với các sản phẩm chủ lực như: ván bóc, gỗ ép thanh, gỗ ván ép. Kinh tế rừng đã góp phần giúp đời sống người dân từng bước được nâng lên. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ trồng rừng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển sản xuất lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng vẫn còn nhiều hạn chế: năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng còn thấp, chưa tận dụng được tối đa tiềm năng đất đai; diện tích, sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất đã tăng, song chủ yếu là diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ với chu kỳ từ 7 - 8 năm, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường nguyên liệu giấy, dăm gỗ, ván bóc; tỷ lệ gỗ xẻ còn thấp, năng suất rừng trồng bình quân chỉ đạt khoảng 60 m3/ha, doanh thu đạt từ 50 - 70 triệu đồng/ha; sản phẩm sản xuất của ngành chế biến gỗ rừng trồng chủ yếu chỉ là sơ chế nguyên liệu thô, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là sản phẩm đồ gỗ nội thất...
Qua tìm hiểu, nguyên nhân của những tồn tại trong sản xuất lâm nghiệp là do chất lượng nguồn gốc cây giống lâm nghiệp đưa vào trồng rừng chưa thực sự đảm bảo. Đa số người trồng rừng bằng cây giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được cấp chứng chỉ nguồn gốc giống.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng về giống cây lâm nghiệp chưa chặt chẽ. Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng chưa tốt và đa số người trồng rừng tổ chức sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm bản địa, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do cơ quan chuyên ngành hướng dẫn. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng rừng, chăm sóc rừng còn hạn chế, năng suất lao động thấp, hiệu quả không cao.
Nguồn vốn đầu tư cho sản xuất phát triển rừng còn ít. Phần lớn diện tích rừng chưa được người dân, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về kỹ thuật và đầu tư để phát triển rừng trồng gỗ lớn nên giá trị rừng trồng trên đơn vị diện tích thấp; việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch. Đối với chế biến gỗ, hầu hết các cơ sở chế biến quy mô còn nhỏ, máy móc thiết bị sơ sài, công nghệ đơn giản nên sản phẩm sản xuất ra mới chủ yếu là nguyên liệu thô nên giá trị gia tăng từ sản phẩm gỗ rừng trồng nhỏ...
Từ thực tế trên, để thực hiện hiệu quả chương trình trọng điểm của tỉnh đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc, các cấp quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và người trồng rừng trên địa bàn tỉnh nên tiếp tục tập trung đổi mới quản lý, quy hoạch phát triển, tổ chức sản xuất các vùng chuyên canh, sản xuất gỗ nguyên liệu quy mô lớn, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tạo năng suất, chất lượng, giá trị trồng rừng cao; xây dựng phương án tổng thể phát triển vùng nguyên liệu.
Về chế biến gỗ rừng trồng, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về khuyến công, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; phát triển ngành chế biến gỗ nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế biến và công nhân tay nghề cao...
Hồng Oanh