Dự kiến, đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có thể cấp giấy phép chứng minh sự hợp pháp của sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu của Việt Nam – giấy phép FLEGT, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nói chung và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói riêng. Hiện thực hóa điều này, ngành lâm nghiệp đang khẩn trương cụ thể hóa các quy định của Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Triển khai xây dựng dự thảo Nghị định về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam để sớm cấp giấy phép FLEGT xác minh gỗ và sản phẩm hợp pháp đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ. Dự kiến trong đầu tháng 8 năm nay sẽ trình Chính phủ xem xét dự thảo Nghị định trước khi ký ban hành.
Ông Tăng Xuân Phương, Phó trưởng phòng Điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định là đánh giá phân loại các doanh nghiệp đủ điều kiện. Theo đó, Dự thảo này chỉ phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, còn doanh nghiệp khai thác, vận chuyển gỗ thực hiện theo hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp…
Đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản là chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi đáp ứng đủ các tiêu chí được cấp giấy phép xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu, doanh nghiệp không phải kiểm tra xác minh nguồn gốc gỗ.
"Trước đây kể cả khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu sẽ phải kiểm tra lại hồ sơ và xuất trình nhiều văn bản chứng từ về nguồn gốc gỗ tại cảng nhập khẩu bên Châu Âu, nhưng đến nay tham gia vào hệ thống phân loại này thì chỉ cần Giấy phép không phải kiểm tra, bớt các thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp", ông Phương nói.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, quan ngại lớn nhất hiện nay là việc xác minh, cấp phép cho các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được công khai, minh bạch. Đối với các bên liên quan trong chuỗi giá trị lâm sản đó là sự chuẩn bị sẵn sàng của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hỗ, các hộ đến trồng rừng, chế biến gỗ để có năng lực trong việc thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện này.
Đối tượng bị chi phối nhiều nhất cũng là đối tượng hưởng lợi của nỗ lực đàm phán của 2 bên là hơn 3.000 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ; 340 làng nghề kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ này. Ngoài ra còn có khoảng 1,4 triệu hộ nông dân trồng rừng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này.
"Các doanh nghiệp lớn chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Liên minh Châu Âu về cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu này. Đây thực chất là việc tổng hợp, hệ thống hóa các việc chúng ta đã làm, đến nay phải đưa vào khuôn khổ để thực thi luật pháp một cách minh bạch, rõ ràng", ông Hoài cho biết thêm.
Đến nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Liên minh Châu Âu của Việt Nam đạt từ 1 - 1,2 tỷ USD mỗi năm. Đây là thị trường quan trọng và tiềm năng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam khi các quốc gia trong Liên minh Châu Âu cũng là những đối tác của các quốc gia khác ngoài khối này.
Trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng từ 3,4 tỷUSD vào năm 2010 lên 11,2 tỷ USD năm 2019. Các sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
"Việt Nam thực hiện Hiệp định này cũng chính là triển khai vận hành thúc đẩy để phát triển chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu hợp pháp bền vững và có lơi cho các bên. Đồng thời gắn liền với công cuộc quản lý và kinh doanh lâm sản bền vững và có hiệu quả cao ở Việt Nam, đây cũng chính là nhu cầu thiết thực của Việt Nam. Việt Nam với EU kết hợp với nhau sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi các nước khác cũng có xu hướng công nhận cách thức làm này thời gian tới", ông Điển nhấn mạnh.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu Covid 19, nhưng dự báo xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu 12 tỷ đô la trong năm nay.
Việc sớm triển khai cấp phép FLEGT bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam tại thị trường Liên minh Châu Âu và các thị trường xuất khẩu khác có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp. Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản có thương hiệu trên thị trường thế giới trong 10 năm tới.
(Theo VOV)