Vị thế nghề dâu tằm ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2020 | 8:20:20 AM

YênBái - Cây dâu, con tằm không chỉ là động lực mà đã trở thành ngành kinh tế chủ lực trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân huyện Trấn Yên; đồng thời, nâng giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác đạt trên 200 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần.

Trồng dâu nuôi tằm đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha đất canh tác.
Trồng dâu nuôi tằm đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha đất canh tác.

Từ quy hoạch vùng trồng dâu, nuôi tằm ở các xã: Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh, Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông, Hồng Ca... và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất bãi, đất vườn hộ, đất gò thấp sang trồng dâu, nuôi tằm, đến nay, Trấn Yên hình thành và phát triển vùng dâu rộng 760 ha, dự kiến hết năm 2020 là trên 900 ha. 

Chỉ trong 4 năm gần đây, huyện phát triển trên 676 ha, bình quân mỗi năm trồng mới trên 140 ha. Không phát triển ồ ạt mà làm đến đâu chắc ăn đến đó, các tiến bộ kỹ thuật trong trồng dâu, nuôi tằm được áp dụng chặt chẽ, đồng bộ. 

Việc triển khai nuôi tằm được thực hiện ở 2 giai đoạn (giai đoạn tằm con nuôi tập trung, giai đoạn tằm lớn nuôi dưới nền), đặc biệt bà con đã chuyển đổi từ né truyền thống, sang sử dụng né gỗ ô vuông, góp phần không chỉ nâng cao năng suất mà chất lượng kén cũng được nâng lên rõ rệt. 

Cán bộ kỹ thuật của huyện thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở cung ứng giống tằm con cải tạo, xây dựng mới nhà nuôi tằm con tập trung có đủ các phòng chức năng đảm bảo tiêu chuẩn để sản xuất giống tằm con cung ứng cho hộ nuôi tằm lớn đảm bảo chất lượng. 

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 7 nhà nuôi tằm con tập trung (xã Việt Thành 3 nhà, Báo Đáp 2 nhà, Tân Đồng 2 nhà); vận động, hướng dẫn các hộ nuôi tằm thương phẩm cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhà tằm đảm bảo kỹ thuật để nuôi tằm. 

Cùng đó, huyện tích cực đầu tư, chăm sóc dâu theo quy trình kỹ thuật thâm canh, đưa giống dâu tiến bộ kỹ thuật vào để phát triển mở rộng diện tích. Đến nay, năng suất, sản lượng, chất lượng lá dâu được nâng lên, đặc biệt khâu vệ sinh đồng ruộng được quan tâm chú trọng, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ trên các cánh đồng dâu, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn trong nuôi tằm. 

Bằng những việc làm cụ thể, sản lượng kén tằm đã tăng lên từng năm và nếu như năm 2015 sản lượng kén mới đạt 300 tấn thì đến năm 2020 sản lượng đạt trên 1.000 tấn, giá trị thu được trên 100 tỷ đồng. 

Không chỉ sản xuất đơn thuần mà hầu hết các hộ trồng dâu, nuôi tằm đã liên kết trong sản xuất và đều tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cung ứng giống để cung ứng tằm giống, vật tư nuôi tằm, bao tiêu sản phẩm bền vững. 

Đến nay, đã có 800 thành viên thuộc 10 hợp tác xã và 80 tổ hợp tác được thành lập và hoạt động liên kết sản xuất trong nuôi tằm, tiêu thụ sản phẩm kén tằm. Trong đó, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc triển khai liên kết sản xuất và xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa tại xã Báo Đáp với công suất 200.000 tấn tơ/năm. Huyện đã xây dựng làng nghề trồng dâu, nuôi tằm thuộc thôn Đình Xây, xã Báo Đáp. 

Có thể khẳng định, chương trình phát triển trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, giá trị thu nhập từ 1 ha trồng dâu, nuôi tằm trung bình đạt từ 220 đến 250 triệu đồng/ha/ năm, cao hơn so với sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần. 

Tân Đồng là một xã vùng sâu, vùng xa đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, nhưng hôm nay xã đã chuyển đổi và trồng được trên 100 ha dâu với 265 hộ tham gia, sản lượng kén bán ra thị trường trên 140 tấn, cho thu trên 22 tỷ đồng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã. Gia đình bà Lê Thị Lợi ở thôn 12, xã Báo Đáp với 8 sào dâu, sau trừ chi phí mỗi năm thu về 100 triệu đồng.

Bà Lợi phấn khởi chia sẻ: "Tôi làm nghề nông và không có cây trồng, vật nuôi nào mà tôi không làm. Nhưng có lẽ, cây dâu, con tằm hợp đất, hợp người hơn cả, nên đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn bất cứ loại cây trồng nào đã và đang có trên đồng đất của huyện”.

Thực tế ở vùng dâu tằm cho thấy, đây là mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp thành công về giá trị và hiệu quả; đồng thời, đã phát triển được vùng trồng dâu, nuôi tằm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo được mối liên kết giữa các hộ, các tổ nhóm liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm; kén tằm là sản phẩm hàng hóa chủ lực được tiêu thụ ổn định thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Trấn Yên cần được nhân rộng.        
   
Ngọc Trúc

Tags Trấn Yên Việt Thành Báo Đáp Tân Đồng Đào Thịnh Y Can Quy Mông Hòa Cuông Hồng Ca trồng dâu nuôi tằm

Các tin khác
Một trang trại chăn nuôi gà tại xã Quy Mông.

Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đến nay, huyện Trấn Yên có gần 620 cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Lãnh đạo Sở Công Thương và huyện Văn Yên cắt băng khánh thành công trình.

Công trình xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị điện các thôn 8, 8A, 11, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vừa hoàn thành cuối tháng 7/2020 đã cấp điện cho 297 hộ dân.

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp doanh nghiệp có động lực tồn tại và phát triển.

Ngày 3/8/2020, Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ chính thức có hiệu lực. Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết đồng ý giảm 30% TNDN cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng.

Chế biến các sản phẩm quế vỏ tại Hợp Tác xã Quế hồi xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Sau 8 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, chất lượng, số lượng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tại huyện Trấn Yên tăng nhanh và hoạt động ngày càng hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục