Triển vọng mô hình lúa tái sinh ở Tô Mậu

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2020 | 8:03:59 AM

YênBái - Lúa tái sinh hay còn được gọi là lúa chéc, lúa gie, lúa chồi… tùy theo cách gọi của từng địa phương, nhưng đều có đặc điểm chung là tận dụng ruộng đã thu hoạch vụ trước, chăm sóc để cây lúa tái sinh sau khoảng 40 - 45 ngày thì thu hoạch.

Mô hình lúa tái sinh mang lại năng suất cao.
Mô hình lúa tái sinh mang lại năng suất cao.

Tuy năng suất không cao bằng lúa chính vụ, nhưng với khoảng thời gian ngắn, lại không phải đầu tư giống, công gieo cấy, mỗi sào chỉ bón ít phân là cho thu hoạch. 

Ngoài ưu điểm đầu tư thấp, thời gian thu hoạch nhanh, lúa tái sinh còn cho gạo rất ngon. Tùy theo giống cấy, nhưng do cây lúa tái sinh mọc tự nhiên, hạt thóc được thụ hưởng đầy đủ các tố chất của tự nhiên nên bao giờ gạo từ lúa tái sinh cũng ngon, đậm hơn so với hạt thóc thu từ sản xuất chính vụ. 
 
Thực hiện việc tăng hiệu quả trong sản xuất lúa vụ xuân, những năm gần đây, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên đã xây dựng mô hình sản xuất lúa tái sinh, mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho nông dân trong xã.

Bà Dương Thị Uyên, thôn Trung Tâm bày tỏ: "Năm nay là năm thứ ba gia đình tôi làm mô hình này. Tôi thấy rất thuận lợi cho sản xuất, đặc biệt ưu điểm lớn nhất là không mất nhiều công sức, năng suất cũng khá cao so với chính vụ nên gia đình thấy phù hợp”.

Từ lâu, lúa tái sinh đã được người dân nhiều vùng chiêm trũng tận dụng để tăng thu nhập; khoảng bốn năm nay, xã Tô Mậu đã thử nghiệm mô hình lúa tái sinh ở một số thôn trọng điểm sản xuất lúa… 

Qua thống kê, đến nay, toàn xã có gần 40 ha; trong đó, thôn Ngòi Thắm 22,4 ha, thôn Trung Tâm 12,6 ha, thôn Làng Mường 1,5 ha, thôn Quyết Thắng 1 ha, thôn Ngòi Chang 2 ha và đây là những khu vực đất trồng lúa cơ bản chủ động nước tưới. 

Đánh giá về năng suất: đối với giống lúa Thái Xuyên bình quân đạt từ 100 - 140kg/sào, tương đương 2,7 - 3,9 tấn/ha; cá biệt có thể đạt đến 150kg/sào, tương đương khoảng 4,2 tấn/ha; giống lúa Bắc Thơm, năng suất bình quân 80 - 120kg/sào, tương đương 2,9 - 3,3 tấn/ha; đối với các giống lúa khác (BC15, Nhị ưu 838, J02…) năng suất bình quân 80 - 110kg/sào, tương đương 2,9 - 3,0 tấn/ha. 

Ông Nguyễn Kim Ba - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tô Mậu cho biết: "Mặc dù còn gặp không ít khó khăn do là xã đầu tiên của huyện thực hiện mô hình này, song qua đánh giá thực tế cũng như cảm nhận của bà con, mô hình này đem lại năng suất khá cao, phù hợp với đồng đất địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền tới các thôn có vùng đất thuận lợi để nhân rộng mô hình…”.

Có thể thấy, các mô hình sản xuất lúa tái sinh ở xã Tô Mậu bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân. Ưu điểm lớn nhất của mô hình là thời gian thu hoạch ngắn hơn từ 1 - 2 tháng so với sản xuất vụ lúa mùa đại trà, tạo quỹ đất và thời gian để sản xuất những cây vụ đông khắt khe về thời vụ. 

Tuy nhiên, để mô hình sản xuất lúa tái sinh đạt hiệu quả cao nhất và nhân rộng tới các thôn cũng như các xã trên địa bàn huyện, các địa phương cần phải quy hoạch vùng sản xuất quy mô từ 10 ha trở lên, tạo thuận lợi cho việc điều tiết nước và công tác bảo vệ sản xuất. 

Chọn những giống có khả năng đẻ nhánh khỏe, tái sinh mạnh; lúa xuân cần được chăm sóc, bón phân cân đối để hạn chế bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy nâu và lúa không bị đổ, gãy để hạn chế tồn dư sâu bệnh chuyển sang gây hại cho lúa tái sinh. 

Khi thu hoạch, lúa xuân cần được cắt bằng tay, cắt phẳng gốc rạ vuông góc với mặt ruộng sẽ tạo số lượng nhánh nhiều, độ đồng đều cao, trỗ tập trung. Ruộng cần phải được duy trì mực nước nông 2 - 3 cm trong suốt chu kỳ sinh trưởng của lúa tái sinh. Chú ý phun thuốc trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân khi lúa tái sinh trỗ theo thông báo, hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện.

Khắc Điệp

Tags Lục Yên Tô Mậu lúa tái sinh lúa chéc lúa gie lúa chồi

Các tin khác

Trong khi giá vàng thế giới đảo chiều đi xuống, sáng 4/8, giá vàng trong nước tăng trở lại mốc 58 triệu đồng/lượng.

Lũ cuốn trôi cầu tạm tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Sáng 4/8, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có báo cáo cập nhật tình hình thiệt hại do bão số 2 gây ra.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình trồng mắc ca của nhân dân xã Gia Hội.

Thời gian qua, nông dân huyện Văn Chấn đã tích cực thử nghiệm, phát triển một số loại cây trồng mới có khả năng chống chịu sâu, bệnh và hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ lâm nghiệp huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc Sơn tra.

Những chính sách được xem là cứu cánh đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo phải kể đến các chính sách tín dụng ưu đãi, Chương trình 30a...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục