Văn Chấn phát triển cơ cấu cây trồng mới thích ứng thực tế

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2020 | 2:00:03 PM

YênBái - Thời gian qua, nông dân huyện Văn Chấn đã tích cực thử nghiệm, phát triển một số loại cây trồng mới có khả năng chống chịu sâu, bệnh và hiệu quả kinh tế cao.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình trồng mắc ca của nhân dân xã Gia Hội.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình trồng mắc ca của nhân dân xã Gia Hội.

Gia đình bà Cao Thị Liên - tổ dân phố Thác Hoa 3, thị trấn Sơn Thịnh có trên 8.000 m vuông chè đã cải tạo bằng giống chè lai LDP2. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc chè, bà nhận thấy, cây chè rất cần có cây bóng mát để chống nắng hạn. Mặt khác, thời vụ thu hoạch chè chỉ từ tháng 4 đến tháng 11, thời gian còn lại gia đình bà thiếu việc làm, không có thêm nguồn thu nhập. 

Trăn trở với bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế, gia đình bà đã lựa chọn trồng xen bưởi Diễn vào các luống chè. Với hơn 200 gốc bưởi trồng xen, sản lượng chè của gia đình bà Liên sụt giảm không đáng kể, nhưng giá trị thu hoạch từ bưởi thì gấp cả chục lần. Việc trồng bưởi xen chè đã tạo việc làm thường xuyên cho gia đình, nâng tổng giá trị thu nhập mỗi năm của gia đình lên trên 250 triệu đồng/năm. 

Bà Liên chia sẻ: "Việc trồng bưởi xen chè đã đạt được cả hai mục tiêu là kinh tế và hỗ trợ nhau phát triển. Cây chè thu hoạch vào từ tháng 4 đến tháng 11, còn bưởi thu hoạch từ đó đến sau tết. Như vậy, gia đình có việc làm thường xuyên. Qua việc trồng bưởi xen chè tôi thấy 2 loại cây này rất phù hợp để trồng kết hợp với nhau, góp phần nâng cao đáng kể giá trị sản xuất”.

Không có điều kiện để trồng xen canh, 2 năm trở lại đây, người dân thị trấn Nông trường Trần Phú đang loay hoay tìm cây trồng có giá trị thay thế diện tích cam, quýt bị chết do bệnh vàng lá, thối rễ. Nhiều loại cây ăn quả truyền thống được đưa vào trồng thay thế. Tuy nhiên, những loại cây ăn quả lâu năm vẫn chưa mang lại hiệu quả tương xứng với việc trồng cam, quýt mang lại. 

Với chủ trương lựa chọn loại cây có hiệu quả, ngắn ngày, trồng cải tạo đất, vừa qua, chính quyền địa phương đã đưa mô hình trồng ớt xanh về trồng thử nghiệm tại tổ dân phố 2. Tham gia mô hình, các hộ dân được cung cấp giống, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá trung bình 6.500 đồng/kg. 

Qua hơn 6 tháng đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha, mô hình trồng ớt xanh đang cho tín hiệu khả quan. Sau gần 3 tháng gieo trồng, ớt đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha. Nếu chăm sóc tốt thì ớt xanh có thể cho thu hoạch 3 lứa/tháng, thời gian thu hoạch liên tục từ 6 – 8 tháng. Như vậy, mỗi héc-ta ớt xanh cho sản lượng trên 60 tấn, trừ chi phí có thể đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. 

Chị Trần Thị Quyết - tổ dân phố 2, thị trấn Nông trường Trần Phú, một trong 6 hộ tham gia mô hình chia sẻ: "Trồng ớt xanh bước đầu cho tín hiệu khả quan với giá trị gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Cây ớt là cây trồng mới ở địa phương nhưng có khả năng phát triển mạnh, năng suất cao. Nếu được bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định như hiện nay thì đây sẽ là cây trồng thay thế hiệu quả cho các loại cây ăn quả ở địa phương”.

Trước những tác động bất lợi của dịch bệnh và quy luật cung cầu của thị trường đang đặt ra cho nông dân Văn Chấn bài toán lựa chọn cây trồng hợp lý có giá trị, phù hợp. Hướng đến mục tiêu sản xuất nông sản hàng hóa, ngoài các loại cây trồng truyền thống, có giá trị như: nhãn, thanh long, bưởi…, nông dân Văn Chấn đã đưa vào thử nghiệm một số loại cây trồng mới như: bơ, lựu đỏ, mắc ca, ba kích. 

Tuy mới thử nghiệm bước đầu đã cho những tín hiệu khả quan. Khả năng ứng dụng giống cây trồng mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng đã góp phần làm phong phú các loại nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường và bước đầu giúp nông dân khắc phục tình trạng dịch bệnh trên cây trồng tại một số vùng chuyên canh cây ăn quả. 

Ông Dương Hữu Tư - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: "Hai năm gần đây, dịch bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn rất nhiều thử thách. Nhưng với kinh nghiệm, truyền thống sản xuất nhiều năm nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi các loại cây trồng đem lại hiệu quả bước đầu. Chúng tôi đang xem xét đánh giá một số mô hình để vận động nhân dân chuyển đổi để mở ra những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương”.

Sản xuất nông nghiệp nói chung luôn chịu tác động bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, điều này đòi hỏi những người nông dân không chỉ cần cù, chịu khó, có kiến thức về khoa học kỹ thuật mà còn phải nhạy bén thị trường. Vượt qua những khó khăn, thử thách, nông dân Văn Chấn đang chủ động tìm ra những hướng đi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

Trần Van - Quang Sơn (Trung tâm TT&VH Văn Chấn)

Tags Văn Chấn Trần Phú Sơn Thịnh bưởi xen chè ớt xanh vàng lá thối rễ

Các tin khác
Cán bộ lâm nghiệp huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc Sơn tra.

Những chính sách được xem là cứu cánh đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo phải kể đến các chính sách tín dụng ưu đãi, Chương trình 30a...

Chính thức giảm 30% thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay để cứu ngành hàng không. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các đơn vị thuế, hải quan trong cả nước về việc triển khai Biểu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Bộ phận một cửa Chi cục Thuế thành phố Yên Bái hướng dẫn người kinh doanh cấp bán hóa đơn.

Năm 2020, thành phố Yên Bái được tỉnh giao dự toán thu ngân sách (TNS) 556 tỷ đồng; trong đó, thu các khoản thuế phí 411 tỷ đồng; thu tiền giao đất 145 tỷ đồng.

Trồng dâu nuôi tằm đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha đất canh tác.

Cây dâu, con tằm không chỉ là động lực mà đã trở thành ngành kinh tế chủ lực trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân huyện Trấn Yên; đồng thời, nâng giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác đạt trên 200 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục