Vốn là người năng động, nhạy bén, anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn 2, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên sớm nhận thấy được thị trường tiềm năng cũng như hiệu quả kinh tế của ốc nhồi. Vì vậy, năm 2017, anh tự mình lặn lội đến nhiều cánh đồng, các ao hồ để bắt ốc.
Từ số ốc tự nhiên tự bắt được, anh Thắng mang về nuôi thử nghiệm. Sau 3 tháng, lứa ốc nhồi đầu tiên thành công. Nhận thấy đây là đối tượng con nuôi dễ tính, ăn tạp, lại ít bệnh dịch, nên ngay sau đó anh mạnh dạn cải tạo hơn 4 sào đất sản xuất nông nghiệp để nuôi ốc nhồi thương phẩm.
Anh Thắng bộc bạch: "Với kinh nghiệm tích lũy được sau vài năm nuôi và nghiên cứu về ốc nhồi, gia đình tôi đã nhân và nuôi thành công ốc nhồi giống vừa để có nguồn giống bảo đảm chất lượng phục vụ nuôi ốc thương phẩm của gia đình vừa xuất bán ra thị trường. Hiện nay, mô hình nuôi ốc của gia đình cho thu nhập gần 150 triệu đồng mỗi năm”.
Cũng giống như anh Thắng, mô hình nuôi ốc nhồi của anh Nguyễn Văn Kiên cùng thôn, hay còn gọi là "Kiên ốc nhồi”, đang cho thu nhập khá.
Năm 2015, anh Kiên đã mua gom khoảng 10 kg ốc nhồi của người dân với giá hơn 1 triệu đồng và quyết định chuyển đổi nửa sào ruộng gần nhà sang nuôi ốc.
Anh Kiên chia sẻ: "Nếu như trước kia đồng ruộng, ao hồ quê tôi lắm ốc nhồi thì sau này có lẽ môi trường ô nhiễm nên ốc rất hiếm. Ốc nhồi ngoài đồng, trong ao thưa dần, trong khi đó, ngoài chợ giá bán ốc nhồi cứ tăng. Tôi chợt nghĩ, tại sao không nuôi ốc nhồi? Nghĩ là làm luôn, tôi bắt tay vào kế hoạch nuôi ốc nhồi”.
Cứ như vậy, mỗi năm anh Kiên lại mở rộng thêm diện tích ao nuôi ốc. Đến nay, anh Kiên đã chuyển đổi toàn bộ 5 sào đất ruộng và ao quanh nhà để nuôi. Ngoài ra, cơ sở của anh còn ươm nuôi sản xuất ốc giống để bán cho các hộ có nhu cầu nuôi trong khu vực. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, mô hình nuôi ốc của anh cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ở xã Hòa Cuông hiện nay nghề nuôi ốc nhồi đã và đang được phát triển nhân rộng. Từ một vài hộ nuôi thử nghiệm thì nay đã có 17 hộ chuyển đổi diện tích đất ruộng, diện tích ao kém hiệu quả sang nuôi ốc.
Ốc nhồi là đối tượng rất dễ nuôi và nguồn thức ăn khá phong phú, đa dạng như: bèo tấm, rau mồng tơi, lá sắn, lá bầu, vỏ mít, dưa hấu... Ngoài thức ăn, nuôi ốc nhồi cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm và luôn duy trì mực nước từ 40 - 100 cm.
Theo kinh nghiệm của các hộ dân thì nuôi ốc nhồi khó nhất là vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp có thể làm ốc chết hàng loạt. Ốc nhồi mùa đông dường như không hoạt động nên lúc đó cần giảm lượng nước trong ao để ốc rúc xuống bùn trú đông hoặc thả cây bèo lục bình xuống ao để giữ ấm cho ốc. Nếu thời tiết rét đậm, rét hại có thể che ni lông, bạt hoặc thắp điện để sưởi ấm. Với những thành công bước đầu, các hộ nuôi ốc trong xã đã liên kết với nhau để cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi và đến nay, trên địa bàn thành lập được 2 tổ hợp tác nuôi ốc nhồi.
Hiệu quả từ nghề nuôi ốc nhồi đang dần được khẳng định tại xã Hòa Cuông. Điều đáng mừng là hiện nay một số hộ nuôi ốc như anh Thắng, anh Kiên đã thực hiện được quy trình khép kín trong nuôi ốc từ khâu thu trứng, ươm con giống và nuôi ốc thương phẩm. Ốc nhồi nuôi sau 12 tháng là sinh sản và thời gian ốc nhồi sinh sản từ tháng 2 - 8 âm lịch. Một con ốc mẹ đẻ từ 5 - 6 ổ trứng/năm, thời gian ấp trứng từ 20 - 25 ngày, khi ấp phải luôn giữ cho trứng khô. Đối với nuôi ốc nhồi thương phẩm thì chú trọng nguồn nước và cho ăn đầy đủ ốc sẽ lớn nhanh. Nếu nuôi 2 vụ/năm thì 1 sào nuôi thu lãi khoảng 50 đến 60 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Đạo - Chủ tịch UBND xã Hòa Cuông cho biết: "Hiện nay, sản lượng ốc thương phẩm của các hộ dân trong xã Hòa Cuông có đến đâu đều được thương lái, các nhà hàng trong và ngoài huyện thu mua hết đến đó. Thời gian tới, chính quyền địa phương đang định hướng mở rộng nghề nuôi ốc nhồi, khuyến khích thêm các hộ chuyển đổi diện tích ruộng chằm, trũng hoặc ao kém hiệu quả sang nuôi ốc. Đặc biệt, thực hiện liên kết trong chăn nuôi, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Thanh Tiến - Nguyễn Thư (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)