Là hộ trồng dâu nuôi tằm khá hiệu quả, cũng là người mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất soi bãi của gia đình sang trồng dâu nuôi tằm từ năm 2017, đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Đông ở thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên đã có trên 2,3 mẫu trồng dâu nuôi tằm.
Bà Đông cho biết: "Khi xã có chủ trương vận động nhân dân trồng dâu nuôi tằm, tôi mạnh dạn đăng ký với xã chuyển đổi, vừa học vừa làm, qua một vụ thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn nên gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ diện tích đất soi bãi và đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm”.
Bằng phương pháp nuôi tằm đất, bình quân mỗi tháng, gia đình bà thu 3 tạ kén với giá dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg kén. Bình quân một năm, hơn 2,3 mẫu dâu cũng mang lại nguồn thu cho gia đình bà hơn 200 triệu đồng. Nếu tính về hiệu quả kinh tế thì nuôi tằm cao gấp hơn 5 lần so với trồng ngô, lúa. Hơn nữa, việc nuôi tằm cũng không quá vất vả, chỉ lúc tằm ăn rỗi khoảng 2 – 3 ngày phải có thêm người hái lá dâu, sau đó tằm chín nên né là xong một vòng tằm, khi đó lại vệ sinh khu vực nuôi và nhập tằm giống.
Cũng nhận thấy hiệu quả của việc trồng dâu nuôi tằm, tháng 4/2017, gia đình chị Hoàng Kim Thức ở thôn Quyết Hùng đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 8 sào đất soi bãi và đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, diện tích dâu tằm của gia đình đã hơn 2 mẫu.
Chị Thức cho biết: "Nếu có nhân lực thì việc trồng dâu nuôi tằm cũng không quá khó. Việc trồng dâu nuôi tằm không quá vất vả, chỉ cần có khu nuôi sạch sẽ và che chắn nắng mưa tốt, kỹ thuật nuôi đã có cán bộ huyện, xã tập huấn thường xuyên. Cây dâu cũng dễ trồng, chịu hạn tốt và 1 lần trồng có thể cho thu hoạch đến trên 10 năm, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, vốn đầu tư không nhiều”.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở nhiều nơi đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là vào thời điểm nông nhàn mà còn giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Với mục tiêu đưa nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành ngành chính trong phát triển kinh tế của xã, những năm qua, Xuân Ái đã tập trung quy hoạch, mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm dọc theo tả ngạn sông Hồng, đến nay toàn xã đã có 35 ha. Năm 2019, giá trị từ dâu tằm mang về cho xã trên 10 tỷ đồng. Trong năm 2020, xã trồng mới thêm 8 ha, phấn đấu đến năm 2025 toàn xã có 60 ha.
Tháng 12/2019, Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm và 4 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm thành lập để cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí làm nhà tằm, kinh phí mua né tằm; đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về trồng dâu nuôi tằm cho bà con nông dân.
Ông Trần Long Giang – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Ái cho biết: "Để nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành nghề cho thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương, xã khuyến khích các hộ dân hình thành nhóm hộ, tổ hợp tác nuôi tằm để gắn kết các hộ cũng như tạo một chu trình khép kín từ việc cung cấp con giống, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm đến tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, qua đó góp phần để địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024”.
Lê Thanh