Hiệu quả nuôi ba ba ở Cát Thịnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2020 | 8:12:12 AM

YênBái - Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn là địa phương có điều kiện nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là phát triển mô hình nuôi ba ba. Phát huy lợi thế đó, nhiều hộ trong xã đầu tư phát triển mô hình này và mở rộng diện tích ao nuôi.

Anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Văn Hưng kiểm tra sinh trưởng của ba ba thương phẩm.
Anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Văn Hưng kiểm tra sinh trưởng của ba ba thương phẩm.

Sau nhiều năm vất vả, trải qua rất nhiều công việc và ngành nghề khác nhau, năm 2005, anh Nguyễn Văn Nghị ở thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh quyết định trở về địa phương đầu tư phát triển mô hình nuôi ba ba sinh sản. 

Với bản tính cần cù, chịu khó, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, đến nay, gia đình anh Nghị có hệ thống chuồng trại khang trang, kiên cố trên 3.000 m2 nuôi trên 200 cặp ba ba sinh sản, tương đương với gần 700 con ba ba bố mẹ. 

Để có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh, gia đình anh đầu tư xây dựng hệ thống đập đầu mối từ đầu nguồn và hệ thống ống dẫn nước về đến tận ao nuôi. Mỗi năm, mô hình nuôi ba ba của anh Nghị cung cấp ra thị trường trên 1 vạn con giống và trừ chi phí còn thu về 1,5 tỷ đồng. 

Anh Nghị chia sẻ: "Lúc đầu nuôi ba ba cũng vất vả, vốn liếng ít lại chưa có kinh nghiệm nên ba ba bị chết, chậm lớn. Cũng may là gia đình kiên trì nuôi mấy cặp ba ba sinh sản nên có con giống để nuôi lâu dài và rút kinh nghiệm dần dần. Hiện, tôi chủ yếu nuôi ba ba sinh sản với số lượng khoảng 30 vạn con/năm, ba ba thương phẩm nuôi đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Nhìn chung, chưa có con gì nuôi cho giá trị cao bằng nuôi ba ba”.  

Cùng với gia đình anh Nghị, hiện nay, thôn Văn Hưng có trên 60 hộ nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản; trong đó, có 10 hộ cho thu nhập cao với doanh thu đạt 500 triệu đồng/ năm; 20 hộ cho thu nhập dưới 200 triệu đồng/ năm; 2 hộ cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ nuôi ba ba sinh sản. 

Từ việc phát triển mô hình nuôi ba ba, thôn Văn Hưng đã ngày càng thay đổi rõ rệt, cùng với sự đầu tư của Nhà nước người dân đã đóng góp làm đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. 

Bà Nguyễn Thị Liễu - Bí thư Chi bộ thôn Văn Hưng cho biết: "Với lợi thế của thôn có nhiều khe nước sạch nên nhân dân đã tận dụng phát triển mạnh nuôi ba ba. Hiện nay, các hộ nuôi ba ba đều trở lên khá, giàu. Kinh tế phát triển, nhân dân cũng tích cực đóng góp để xây dựng nhà văn hóa, kiên cố 100% trục đường giao thông liên thôn”. 

Xác định nuôi ba ba là thế mạnh trong phát triển kinh tế địa phương, xã Cát Thịnh đã tham mưu với các đơn vị chức năng tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển mô hình. 

Nhờ đó, đến nay, xã đã có trên 250 hộ nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản với quy mô từ 2.000m2 trở lên. Thu nhập bình quân của các mô hình này đạt từ 200 - 300 triệu đồng/mô hình/năm, tiêu biểu có những mô hình nuôi ba ba sinh sản với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng như: gia đình anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Văn Hưng, anh Nguyễn Hoành Cương, thôn Vực Tuần… 

Hôm nay, nghề nuôi ba ba ở Cát Thịnh đã không còn manh mún, nhỏ lẻ, mà có sự liên kết đầu tư khá bài bản. Nhiều hộ đã xây dựng, mở rộng quy mô chăn nuôi thành trang trại để chăn nuôi hiệu quả bền vững. 

Ông Sa Văn Tá - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: "Trong số 250 hộ nuôi ba ba có hơn 10 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; 40% số hộ thu nhập 300 triệu đồng trở lên, còn lại các hộ đều có thu nhập trên 50 triệu đồng trở lên… Dù đòi hỏi điều kiện nhất định về vốn, kiến thức chăn nuôi nhưng nuôi ba ba vẫn có giá trị kinh tế cao và ổn định nhiều năm qua, chúng tôi đang khuyến khích và vận động các hộ dân đầu tư và liên kết để giúp đỡ, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm và mở rộng quy mô chăn nuôi”.

Nuôi ba ba sinh sản và ba ba thương phẩm là những mô hình kinh tế đã khẳng định hiệu quả kinh tế và giá trị thu nhập ổn định nhiều năm qua ở Văn Chấn. Tuy nhiên, nuôi ba ba đòi hỏi người dân phải có nguồn vốn, kiến thức chăn nuôi nhất định. 

Để các mô hình nuôi ba ba phát triển bền vững người dân rất cần được vay vốn ưu đãi và có đầu ra ổn định. Việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp đỡ phát triển và tiêu thụ sản phẩm thủy sản đặc sản ba ba là giải pháp đang được xã Cát Thịnh và huyện Văn Chấn quan tâm giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ tại các siêu thị và hướng tới xuất khẩu.
Ngọc Sơn

Tags Cát Thịnh Văn Chấn ba ba thủy sản kinh tế

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề làm nấm rơm tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2023, huyện Mù Cang Chải được giao vốn trên 142 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 136,5 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân 124,2 tỷ đồng, đạt 87,2% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục