Giai đoạn 2015 - 2020, ngành nông nghiệp huyện Văn Yên đạt được nhiều kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp bình quân đạt 10,8%/năm; giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 66,7% so với năm 2015; thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt 76,5 triệu đồng/ha/năm.
Giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong giai đoạn vừa qua, Trung tâm đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 63.102 lượt người; in, cấp phát cho nông dân 60.971 bộ tài liệu, tờ rơi; đào tạo nghề cho 1.320 lao động nông thôn.
Đáp ứng nhu cầu của nông dân, Trung tâm xây dựng 20 mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho trên 3.000 hộ nông dân tham gia. Đa số các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân ra diện rộng như: trồng dâu nuôi tằm, nuôi thỏ kết hợp nuôi giun quế, chăn nuôi gia súc gia cầm an toàn sinh học, trồng cây ăn quả, canh tác sắn, nhân rộng giống sắn mới. Đơn vị đã tư vấn, giúp đỡ thành lập 2 hợp tác xã; tư vấn kỹ thuật cho 10 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, chăn nuôi tằm, thủy sản, các nhóm sản xuất quế và 24 nhóm sở thích, câu lạc bộ khuyến nông hoạt động.
Ngoài ra, Trung tâm tham gia một số chương trình thuộc các dự án của Trung ương, của tỉnh, tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao trình độ và năng lực.
Tiêu biểu như thực hiện 3 đề tài khoa học về giống sắn BK, sản xuất rau an toàn, đánh giá tính thích ứng của táo TAO 05; Đề án canh tác sắn bền vững trên đất dốc tại các xã vùng quy hoạch diện tích 2.235,5 ha; Đề án bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn Văn Yên với chế phẩm men vi sinh Emic bón cho cây sắn với diện tích 620 ha; Đề án nhân rộng giống sắn mới BK tại các xã: Quang Minh, Đông Cuông, An Bình, Lâm Giang, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ. Trung tâm cũng tổ chức 18 đợt tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức; tổ chức thao giảng nâng cao kỹ năng, phương pháp chuyển giao kỹ thuật và phương pháp soạn giáo án, văn bản đối với khuyến nông viên cơ sở; có 24 lượt viên chức chuyên môn, khuyến nông cơ sở tham gia các lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh. Trung tâm cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Phân hữu cơ vi sinh bón cho cây sắn được chở đến tận đồi trồng sắn của nông dân xã Mậu Đông.
Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng còn có hạn chế, khó khăn. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và thời tiết nên yếu tố rủi ro lớn.
Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư đồng bộ, chi phí ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài trong khi năng lực đầu tư của người dân hạn chế, giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung là khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường. Huyện chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp để liên kết, hỗ trợ người nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, đặc biệt là thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định.
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp; thực hiện nghiêm các quy hoạch vùng sản xuất, tạo sự thống nhất, chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với phát triển cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; có cơ chế khuyến khích chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao…
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cho biết: "Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho chủ hộ, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học; hỗ trợ vốn và kỹ thuật sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành kinh tế trang trại; nâng cao giá trị kinh tế diện tích đất thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đồng thời tăng cường, đổi mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nông thôn; tập trung đầu tư các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm và lồng ghép các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ trong chế biến, sơ chế nông sản; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng cho thu nhập cao tạo ra sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh như: sản xuất nông nghiệp tốt cho cây rau, cây ăn quả, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa”.
Nguyễn Thơm