Đến đầu tháng 8/2020, tổng kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển của tỉnh Yên Bái năm 2020 là trên 5.321 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đã giao chi tiết là 5.032 tỷ đồng, gồm nguồn vốn trong nước (không bao gồm ODA) kéo dài từ năm 2019 chuyển sang là 141,4 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 1.145 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài (bao gồm cả kéo dài) là 1.158 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương là 2.593 tỷ đồng.
Số vốn chi đầu tư phát triển quỹ đất, trích đo đạc bản đồ và trả nợ gốc các khoản vay 237,9 tỷ đồng, hiện đã trích nộp trả các khoản vay của tỉnh 14,3 tỷ đồng, số còn lại thực hiện trích nộp vào quý IV/2020.
Các nguồn vốn chưa giao chi tiết là 91,4 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 29,5 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương 61,9 tỷ đồng. Các nguồn vốn này, tập trung phân khai cho các dự án, công trình chuyển tiếp, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới trong năm 2020 và công tác chuẩn bị đầu tư những năm tới.
Tại một số công trình trọng điểm đang được triển khai xây dựng, chúng tôi ghi nhận: Dự án đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đã hoàn thành bàn giao 9,7/31,25 ha; gói thầu số 12 đã thi công đường công vụ được 400 mét và hoàn thành đóng cọc thử 3 vị trí, đóng cọc đại trà loại 12 mét được 100 cọc, loại 10 mét được 63 cọc, đang tiếp tục triển khai thi công cọc đại trà, đúc cấu kiện lắp ghép tấm lát mái và ô lục lăng.
Gói thầu số 13 đã thi công đường công vụ được 200 mét, triển khai lắp dựng máy thi công và sàn đạo phục vụ đóng cọc thử và hoàn thành đóng cọc thử 2 vị trí, đang triển khai thi công đóng cọc cừ đại trà; gói thầu số 14 đang thi công hố móng cột trung thế tuyến đầu cầu Bách Lẫm.
Dự án cầu Cổ Phúc với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, phần cầu đã thi công đạt 30,8% giá trị hợp đồng, phần đường dẫn hai đầu cầu đã thi công đạt 57,1% giá trị hợp đồng...
Theo ông Nguyễn Minh Toàn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 5/8, toàn tỉnh đã giải ngân đạt 2.336 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn đã giao chi tiết là 4.915 tỷ đồng, (chưa bao gồm kế hoạch vốn mới được giao chi tiết tại Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 là 117,4 tỷ đồng), bằng 47,5%, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước; đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về tiến độ giải ngân.
Tình hình giải ngân của các đơn vị chủ đầu tư khối huyện, đến nay đã giải ngân trên 1.303 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn giao trên 2.023 tỷ đồng, bằng 64,5% kế hoạch. Kết quả giải ngân khối huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu, hai địa phương tỷ lệ giải ngân thấp dưới 60% là thị xã Nghĩa Lộ đạt 58,5%, huyện Trạm Tấu đạt 48,8%.
Đối với đơn vị chủ đầu tư là các sở, ban, ngành và các đơn vị cấp tỉnh, tổng kế hoạch vốn giao là trên 2.891 tỷ đồng, đã giải ngân trên 1.032 tỷ đồng, bằng 35,8%.
Nguyên nhân tiến độ giải ngân thấp trước hết là do công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chưa đáp ứng tiến độ thi công, tiếp đến là nhiều dự án đầu tư vốn ODA kế hoạch năm 2020 gặp nhiều vướng mắc do chưa ký được hiệp định bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2020 nhưng chưa được Bộ Tài chính cấp vốn...
Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chủ đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ giải ngân cho từng tuần; các huyện, thành phố chủ đầu tư giải quyết kịp thời dứt điểm các vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng như Dự án Hạ tầng kỹ thuật Công viên Đồng Tâm, Dự án đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai…
Đặc biệt, đối với các nguồn vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2020, các đơn vị chủ đầu tư rà soát, ưu tiên giải ngân để đảm bảo hết ngày 31/8/2020 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn kéo dài; một số đơn vị còn khối lượng giải ngân lớn cần phải huy động nhân lực và xây dựng lịch biểu tiến độ giải ngân cho từng tuần, từng tháng.
Quang Thiều