Là tỉnh miền núi, đất đai rộng lớn nhưng chủ yếu là đất lâm nghiệp, còn đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa không có nhiều (tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm trên 42.000 ha; trong đó, lúa xuân trên 19.000 ha, lúa mùa trên 23.000 ha). Không chỉ vậy, mà có rất nhiều chân ruộng chua, ám sơn, ven sông suối nên thường xuyên ngập úng...
Để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 2.500 ha (cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn 1.400 ha; cánh đồng Đại - Phú - An và Đông Cuông huyện Văn Yên 600 ha, cánh đồng Mường Lai, Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên 500 ha).
Sản lượng lúa hàng hóa hàng năm đạt trên 28.000 tấn. Sản xuất ngô đã hình thành được vùng chuyên canh tập trung với trên 12.500 ha tại các huyện: Văn Yên 2.000 ha, Lục Yên 2.000 ha, Văn Chấn 2.800 ha, Trấn Yên 400 ha, Yên Bình 500 ha, Trạm Tấu 1.800 ha, Mù Cang Chải 3.000 ha; sản lượng ngô đạt 99.000 tấn/năm.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, nâng cao hiệu quả sản xuất trên mỗi héc - ta canh tác, bà con đã tích cực đổi mới cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu mang lại kết quả rất tốt. Trong 3 năm (2017 - 2020) toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên 1.712 ha.
Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm (ngô, rau màu) 808,7 ha gồm: đất 2 vụ lúa 668,67 ha; đất 1 vụ lúa 140,04 ha. Hiệu quả kinh tế của diện tích chuyển đổi sang trồng ngô, rau, hoa cho giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa từ 2 - 3 lần. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng dâu tằm và cây ăn quả 733,92 ha.
Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của diện tích chuyển đổi sang trồng dâu tằm cho giá trị kinh tế cao gấp 3,5 - 4 lần so với trồng lúa. Đối với 169 ha chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng lúa. Chuyển đổi và xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm với diện tích 121 ha; trong đó, thành phố Yên Bái 70 ha, huyện Văn Chấn 30 ha, huyện Văn Yên 11 ha, huyện Lục Yên 10 ha.
Đặc biệt, người dân đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp cùng người dân cùng liên kết tham gia sản xuất hiệu quả và hiện đã có 3 hợp tác xã tại 3 xã: Âu Lâu, Tuy Lộc, Văn Phú của thành phố Yên Bái với 109 thành viên sản xuất 10,23 ha, năng suất trung bình 160 tạ/ha. Các sản phẩm rau an toàn do các hợp tác xã sản xuất ra được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm định chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có dán tem, truy xuất được nguồn gốc.
Vài năm trở lại đây, huyện Trấn Yên tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, huyện đã có 700 ha dâu và năm 2017 sản lượng kén mới đạt 200 tấn thì năm 2019 đạt 700 tấn và năm 2020 này chắc chắn đạt trên 750 tấn và dự kiến thu về không dưới 75 tỷ đồng.
Chị Lê Thị Phương ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành phấn khởi: "Trồng dâu nuôi tằm nhàn hơn trồng lúa; thu nhập lại cao gấp 3 - 4 lần. Gia đình tôi có 5 sào đất kém hiệu quả chuyển sang trồng dâu nuôi tằm từ năm 2015 và thấy hiệu quả nên thuê thêm 5 sào nữa với giá 500.000 đồng/vụ để trồng dâu nuôi tằm. Bình quân mỗi năm gia đình nuôi 8 lứa tằm, mỗi lứa 7 nong tằm… sau khi trừ chi phí thu lãi còn trên 50 triệu đồng”.
Gia đình ông Vũ Viết Lâm cũng ở thôn Lan Đình trồng 15 sào dâu, mỗi năm nuôi trên dưới 200 vòng tằm thu 3 tấn kén, bán thu trên dưới 300 triệu đồng…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu có giá trị kinh tế cao đã và đang rất thành công ở địa phương, góp phần khai thác lợi thế về đất đai và bảo đảm thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi héc - ta canh tác.
Thanh Phúc