Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trạm Tấu gặp không ít khó khăn và thách thức của một huyện vùng cao với địa hình chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết.
Tuy nhiên, nhờ nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy các lợi thế, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách, các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, phát triển nên Trạm Tấu đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Điểm nhấn phát triển kinh tế của huyện vùng cao Trạm Tấu những năm qua là lấy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp là khâu then chốt, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là trọng tâm, từ đó tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp cao, tạo sự đồng thuận trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Huyện đã chỉ đạo tập trung phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững, tạo những sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Theo đó, các nhóm giải pháp về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; khai hoang ruộng bậc thang; xây dựng mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm đã được các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả cao.
Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; mở rộng diện tích gieo trồng lúa từ 1 vụ lên 2 vụ; đưa các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng vào sản xuất, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất ngô, lúa hàng hóa ở các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu, Hát Lừu...
Nhờ vậy, đến nay, cơ cấu kinh tế của Trạm Tấu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp từ 45,4% năm 2015 giảm còn 39,7%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 44,2% năm 2015 giảm còn 40,5%; tỷ trọng thương mại, dịch vụ từ 10,4% năm 2015 lên 19,8%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 19,5 triệu đồng, tăng 1,93 lần so với năm 2015. Đến năm 2020, toàn huyện có 6.980 ha cây lương thực có hạt tăng 440 ha so với 2015; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 23.806 tấn, tăng trên 2.800 tấn so với năm 2015; có 689 hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 5 - 9 con trở lên.
Cùng với đó, Trạm Tấu đã xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của huyện như: chè Shan Phình Hồ, măng ớt, sơn tra đem về thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Người dân đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang bán chăn thả có kiểm soát với trên 780 hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 5 con trở lên; thực hiện 128 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; khai hoang 126,5 ha ruộng bậc thang phục vụ sản xuất gắn với tạo cảnh quan phát triển du lịch. Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả 1 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; 2 sản phẩm chè Shan Phình Hồ và khoai sọ nương Trạm Tấu được cấp chứng nhận thương hiệu; từng bước hoàn thành xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm măng ớt Trạm Tấu, gà đen, lợn bản địa, gạo nếp 87…
Trong xây dựng nông thôn mới, tuy là huyện nghèo của cả nước nhưng nhờ sự chủ động trong điều hành, lãnh đạo và huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể, trực tiếp của người dân, bộ mặt nông thôn vùng cao Trạm Tấu không ngừng khởi sắc, cuộc sống của đồng bào nâng lên rõ rệt.
Năm 2019, xã Hát Lừu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới - một trong những xã đầu tiên của các huyện nghèo đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Có được những thành tựu trên, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành và sự đoàn kết, chung sức, phát huy trí tuệ tập thể, đổi mới, năng động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị”.
Đó là tiền đề để Đảng bộ huyện Trạm Tấu tiếp tục thực hiện thắng lợi 23 chỉ tiêu chủ yếu, 3 khâu đột phá, 4 chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trước mắt, là tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, tập trung đổi mới phương thức sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở phát huy lợi thế các cây trồng, vật nuôi đặc sản của huyện; từng bước sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng, hướng dẫn nhân dân đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thu hút đầu tư hình thành các mô hình liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó, duy trì, mở rộng vùng ngô hàng hóa, vùng chè Shan tuyết, vùng sản xuất lúa đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng cao; đặc biệt, quy hoạch phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản của huyện như: măng sặt, khoai sọ, măng ớt, đưa quả sơn tra thành sản phẩm hàng hóa và thương hiệu... Trạm Tấu phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng lương thực của huyện Trạm Tấu đạt trên 27.500 tấn; có ít nhất 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; hàng năm trồng trên 500 ha khoai sọ nương; thu hoạch trên 1.000 tấn chè búp tươi; tổng đàn gia súc chính 62.000 con, trồng mới 650 ha rừng, có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng 4 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới...
Đồng chí Nguyễn Văn Hòe - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện:
Để tạo sức bật cho huyện vùng cao Trạm Tấu trong nhiệm kỳ tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tiếp tục tập trung tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, khai thác tốt tiềm năng để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tham gia trồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Đồng chí Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện:
Để khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về văn hóa, lễ hội, tiềm năng và lợi thế du lịch của huyện; tập trung phát triển loại hình du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Tà Xùa, đỉnh Tà Chì Nhù theo hướng chuyên nghiệp; mở rộng các khu nghỉ dưỡng khoáng nóng với quy mô hiện đại và chuẩn hóa các mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Lừu, xã Hát Lừu và chòm Cu Vai, xã Xà Hồ theo hướng chuyên nghiệp gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Đồng chí Chớ A Páo - Bí thư Đảng ủy xã Bản Công:
Cùng với các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, 5 năm tới, huyện Trạm Tấu cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động, kết nối với thị trường lao động để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
|
Văn Tuấn - Hoài Văn