Cùng với cán bộ Hội Phụ nữ xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, chúng tôi đến thăm hộ chị Phạm Thị Bắc ở thôn Hiển Dương. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 2 con nhỏ, gia đình chị có đất sản xuất song không có vốn để phát triển kinh tế.
Trước hoàn cảnh đó, Hội Phụ nữ xã đã nhận ủy thác để giúp chị tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo năm 2012 cùng với sự giúp đỡ của người thân, chị Bắc bắt tay vào trồng keo trên 1 ha đất đồi được bố mẹ chia cho.
Sau 5 năm chăm sóc, chị bán đồi keo trả 30 triệu đồng vốn vay ngân hàng. Năm 2017, chị tiếp tục được vay vốn hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, cộng với khoản tiền tích cóp được, chị mua thêm đất đồi mở rộng trồng keo với 2 ha.
Chị Bắc phấn khởi: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn phát triển kinh tế cũng không có vốn, phải đi làm thuê nên thu nhập không ổn định. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, tôi được vay vốn hộ nghèo, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và chăm chỉ làm ăn. Đến nay, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt, đủ ăn, đủ tiền cho con đi học, mua xe máy và các đồ dùng trong gia đình”.
Không chỉ được vay vốn, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Trấn Yên còn được đào tạo nghề phù hợp. Anh Hoàng Trung Dũng ở xã Y Can được học lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm từ năm 2016.
Từ vốn kiến thức đó, lại phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình có đất vườn rộng, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng để mua gà giống.
Mỗi lứa, anh Dũng nuôi 400 con, mỗi năm, anh bán 2 lứa, trừ chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, năm 2019, gia đình anh thoát nghèo. Hộ chị Bắc, anh Dũng là 2 trong hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện được hưởng lợi từ các chính sách giảm nghèo vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Trấn Yên quan tâm. Do đó, số hộ nghèo giảm theo từng năm. Nếu như năm 2016, huyện có 4.882 hộ nghèo, chiếm 20,58%; 2.362 hộ cận nghèo, chiếm 9,96%; tái nghèo 103 hộ thì đến năm 2019, huyện còn 1.145 hộ nghèo chiếm 4,75%; 1.565 hộ cận nghèo, chiếm 6,50%; 18 hộ tái nghèo, chiếm 1,57%.
Mục tiêu năm 2020, giảm 638 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,75% xuống 2,11%.
Để có được kết quả trên, ông Hán Văn Khang - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Thực hiện công tác giảm nghèo, đầu năm, huyện đều tiến hành điều tra, rà soát để phân loại từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí: thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm… Trên cơ sở đó, Phòng lập kế hoạch và đề ra giải pháp hỗ trợ cụ thể. Các đợt điều tra cho thấy, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo thiếu việc làm, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Trấn Yên đã xác định giải quyết việc làm, đào tạo nghề và hỗ trợ vốn là các giải pháp trọng tâm trong công tác giảm nghèo của huyện”.
Để giải quyết vấn đề thiếu việc làm, huyện đã đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động, con em hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể, từ năm 2016-2020, huyện đã phối hợp mở hơn 100 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các nghề: may mặc, trồng dâu nuôi tằm, trồng tre măng Bát độ, chăn nuôi… Qua đó, giải quyết việc làm mới cho 8.002 lao động, 283 người đi làm việc có thời hạn tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Ả Rập...
Song song với đó, huyện còn duy trì nguồn vốn vay giảm nghèo để kịp thời giải ngân vốn, giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Trong 5 năm, huyện đã cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ nghèo vay vốn làm nhà ở với số tiền 242,3 tỷ đồng cho 8.789 hộ. Từ các nguồn vốn này, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tặng thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và chính sách đặc thù hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số về đất ở, đất sản xuất...
Thu Hiền