Ngành ngân hàng Yên Bái tích cực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2020 | 8:03:30 AM

YênBái - Ngành ngân hàng tỉnh đang đồng hành cùng với doanh nghiệp, khách hàng để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh.

Các ngân hàng thương mại tại tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Các ngân hàng thương mại tại tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Được xác định là động lực cho sự phát triển, thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực nhằm giúp đỡ khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Để tìm hiểu rõ hơn các giải pháp triển khai cụ thể, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Yên Bái về vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí! Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống; do vậy, vừa phòng chống bệnh dịch vừa tăng trưởng kinh tế trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và ngành ngân hàng đã, đang triển khai nhiệm vụ, giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này? 

Đồng chí Bùi Trung Thu: Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra toàn cầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo đối với ngành ngân hàng: Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành các văn bản chỉ đạo đối với ngành ngân hàng như: Chỉ thị số 02, ngày 31/3/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19; Thông tư số 01, ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19; Quyết định số 420, ngày 16/3/2020; Quyết định số 920, ngày 12/5/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN Việt Nam, tất cả các ngân hàng thương mại đều ban hành quy định nội bộ để triển khai đến các chi nhánh trực thuộc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra theo đúng nội dung Thông tư số 01, điển hình như: Văn bản số 1242 của BIDV Việt Nam; Quyết định số 535 của Tổng Giám đốc Agribank Việt Nam.

Đi đôi với chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh, Chi nhánh NHNN đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh.

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết kết quả cụ thể mà các ngân hàng đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian qua và sự hỗ trợ ấy mang lại những hiệu ứng như thế nào?

Đồng chí Bùi Trung Thu: Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 31/8/2020 là 4.312 tỷ đồng, chiếm 17,74% tổng dư nợ; trong đó, doanh nghiệp và hợp tác xã là 2.992 tỷ đồng; cá nhân là 1.320 tỷ đồng). Các chi nhánh ngân hàng và các QTDND đã tháo gỡ khó khăn cho 21.871 khách hàng; cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.037 khách hàng với dư nợ 800,3 tỷ đồng. 

Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 903 khách hàng với dư nợ 632 tỷ đồng gồm 24 khách hàng là doanh nghiệp với dư nợ 547 tỷ đồng, 879 khách hàng cá nhân với dư nợ 85 tỷ đồng. Miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 134 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi là 168 tỷ đồng gồm 11 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 80 tỷ đồng, 123 khách hàng cá nhân với dư nợ 89 tỷ đồng. 

Doanh số cho vay mới với lãi suất cho vay giảm từ 1% đến 2%/năm lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay là 3.417 tỷ đồng đối với 13.565 khách hàng; trong đó, khách hàng là doanh nghiệp và hợp tác xã là 123 đơn vị với doanh số cho vay là 1.207 tỷ đồng; 13.442 khách hàng cá nhân với doanh số cho vay là 2.210 tỷ đồng. 

Giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cũ phát sinh trước ngày 23/01/2020 (dư nợ hiện hữu) từ 0,2% đến 2,5%/năm cho 7.269 khách hàng, dư nợ được giảm lãi là 4.784 tỷ đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của khách hàng và khả năng tài chính của từng chi nhánh ngân hàng, QTDND. Mặt bằng lãi suất cho vay mới giảm từ 1% đến 2%/năm; giảm các loại phí trong hoạt động ngân hàng từ 30% đến 70%.

Với kết quả trên, ngành ngân hàng tỉnh đã đồng hành cùng với doanh nghiệp, khách hàng để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN Việt Nam và của tỉnh.

P.V: Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và sớm qua đi; vậy, ngành ngân hàng sẽ chuẩn bị những gì để chung sức vì mục tiêu phát triển?

Đồng chí Bùi Trung Thu: Để góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, QTDND thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh; các cơ chế, chính sách, nghiệp vụ của NHNN Việt Nam phù hợp với tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn. 

Thực hiện tốt các giải pháp, hình thức huy động nguồn vốn, đảm bảo ổn định và tăng trưởng tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh, sản xuất hàng xuất khẩu, lưu thông hàng hóa; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19 gây ra theo quy định tại Thông tư số 01, ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam. 

Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN; đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tập trung vốn tín dụng đầu tư cho vay lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Thực hiện tăng trưởng tín dụng đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục tăng cường quản trị rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin vào phân tích phòng ngừa rủi ro tại đơn vị, bảo đảm thanh toán thông suốt, an toàn tuyệt đối trong hoạt động ngân hàng; thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định nội bộ; kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh; đặc biệt, có những kế hoạch, giải pháp dài hơi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế khi phục hồi và tăng trưởng trở lại.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Phiên (thực hiện)

Các tin khác

Vụ đông năm nay, toàn huyện Lục Yên phấn đấu gieo trồng trên 1.940 ha; trong đó, cây ngô 980 ha gồm ngô đông trên đất 2 vụ lúa 700 ha; khoai lang 400 ha; rau, đậu các loại từ 560 ha trở lên…

Năm 2020, Trấn Yên được giao chỉ tiêu trồng 2.750 ha rừng, trong đó có 1.800 ha rừng tập trung và 950 ha rừng phân tán quy đổi.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (gọi tắt là EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh giảm hàng loạt các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực ngay từ ngày mai (1/10).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục